28/11/2024 lúc 23:41 (GMT+7)
Breaking News

26 năm chưa hoàn trả đủ diện tích đất bị thu hồi

VNHNO -

VNHN - Vừa qua, bà Hà Thị Oanh ở tổ 23, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, vợ cựu chiến binh Nguyễn Bá Tấn có đơn gửi đến Báo Quân đội nhân dân phản ảnh việc gia đình bị thu hồi 352m2 đất thổ cư. Sau 16 năm, gia đình mới được bồi thường 71m2, còn thiếu 281m2, nhưng đến nay chưa được giải quyết đúng pháp luật.

Thu 352m2, chỉ đền bù 71m2

Theo đơn của bà Oanh, tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, năm 1976, UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi của gia đình bà Hà Thị Oanh hơn 2.000m2 đất tại khu phố Đúng, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tại thời điểm đó, gia đình bà được cấp 352m2 đất tái định cư tại phố Yên Hòa, phường Tân Hòa, thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình). Năm 1992, UBND tỉnh Hòa Bình lại thu hồi toàn bộ diện tích đất này của gia đình bà cùng 8 hộ dân với tổng diện tích là 3.606m2 để xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Đà.

Bà Hà Thị Oanh hiện đang sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng.

“Mãi đến năm 2008, khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, thay thế cho các Luật Đất đai năm 1988 và 1993, UBND TP Hòa Bình mới cấp trả cho gia đình tôi 71m2 đất ở tại phường Tân Thịnh và không thu tiền sử dụng đất, còn thiếu 281m2 đất đến nay vẫn chưa giải quyết đúng chính sách pháp luật của Nhà nước”, bà Hà Thị Oanh cho biết.Tại Quyết định số 310/QĐ-UB ngày 9-10-1992 của UBND tỉnh Hòa Bình đã thể hiện rõ chủ trương cấp trả đủ diện tích đất đã thu hồi cho các hộ dân và giao cho UBND thị xã Hòa Bình chịu trách nhiệm việc này. Quyết định nêu rõ: Thu hồi 25.000m2 đất chuyên dùng của Trường Trung cấp Kỹ thuật Thia thuộc Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà, một phần để giao cho “UBND thị xã Hòa Bình 5.200m2 di chuyển 9 hộ gia đình để xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Đà”. Thế nhưng UBND thị xã không cấp trả đất và việc này đã được ghi nhận tại 4 dòng cuối trang 1 của Quyết định giải quyết khiếu nại số 1831/QĐ-CT ngày 21-9-2004 của UBND tỉnh Hòa Bình như sau: “Vào thời điểm đó, UBND thị xã Hòa Bình và các cơ quan liên quan chưa tiến hành giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư, chưa phân lô chi tiết để giao đất cho hộ ông Nguyễn Bá Tấn…”. Tại dòng 21, trang 3 từ trên xuống còn nêu: “Thực tế, hộ ông Tấn chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trả đất…”.

Cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Thu Anh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và các cộng sự cho biết: “Trong vụ việc này, việc cấp trả đất tái định cư chậm là lỗi của chính quyền địa phương. Do vậy, phải áp dụng pháp luật đất đai tại thời điểm chính quyền địa phương thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong vụ việc của bà Oanh, đến năm 2008, TP Hòa Bình mới cấp đất tái định cư nên phải áp dụng Luật Đất đai năm 2003, nhưng số tiền chênh lệch và bồi thường đất, đến thời điểm này nếu TP Hòa Bình mới thực hiện thì phải áp dụng Luật Đất đai 2013 và thực hiện giá đất năm 2018”.

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003 thì gia đình bà Oanh phải được bồi thường toàn bộ diện tích đất Nhà nước thu hồi bằng đất hoặc bằng tiền theo quy định tại Điều 5, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ. Trường hợp bồi thường bằng đất nếu có chênh lệch về giá trị quyền sử dụng đất thì được thanh toán phần chênh lệch đó bằng tiền theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng đến nay đã 26 năm, quyền lợi hợp pháp của bà Oanh vẫn chưa được giải quyết.

Theo bà Hà Thị Oanh, việc bồi thường chậm và không đúng pháp luật khiến gia đình bà chịu thiệt thòi. Gần đây, có cán bộ chính quyền đã hướng dẫn bà Oanh làm đơn xin hỗ trợ thì sẽ được giải quyết. “Thế nhưng tôi nghĩ mình đang đề nghị hưởng quyền lợi chính đáng lại trở thành người đi xin nên tôi không đồng ý”, bà Oanh cho biết thêm.

Mong chính quyền TP Hòa Bình và tỉnh Hòa Bình sớm xem xét lại sự việc, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo QĐND