25/11/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

2022 - Năm quyết định thành bại của Liên minh châu Âu?

Theo tác giả Luke McGee trong bài viết trên CNN, năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối diện với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay, nếu vẫn muốn trở thành cường quốc địa chính trị quan trọng như các nhà lãnh đạo nội khối hằng mong mỏi.

Theo tác giả Luke McGee trong bài viết trên CNN, năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối diện với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay, nếu vẫn muốn trở thành cường quốc địa chính trị quan trọng như các nhà lãnh đạo nội khối hằng mong mỏi.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi những nỗ lực nhằm tạo ra một châu Âu toàn cầu quyết đoán hơn - vào đúng thời điểm mà nền chính trị toàn cầu trong hai năm qua đã gây ra vô số vấn đề cho toàn khối. Những điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu EU không nhanh chóng hành động.

Cho dù đó là cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Belarus, việc Nga tăng cường lực lượng quân sự ở biên giới Ukraine và sự chống đối của các nước thành viên như Litva và Estonia, hay các mối đe dọa thương mại từ Trung Quốc, thì EU đều rất cần một chiến lược đối phó với thế giới bên ngoài, trước khi những vấn đề này lấn át và làm suy yếu liên minh.

Ủy ban châu Âu đã có những đề xuất táo bạo, mà về lý thuyết, có thể giải quyết được những vấn đề trên.

Về động thái của Nga và các vấn đề quân sự khác, EU đã đề xuất các lực lượng triển khai nhanh chóng, phù hợp với các nhiệm vụ cụ thể, giảm sự phụ thuộc vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Về Trung Quốc, EU đang cố gắng chống lại sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ của Bắc Kinh bằng cách đưa ra các lựa chọn đầu tư thay thế. Trong những năm gần đây, EU đã chật vật nỗ lực “đi trên dây” – vừa duy trì quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc, vừa không xa lánh một nước Mỹ ngày càng bài Bắc Kinh nhiều hơn.

Nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến châu Âu nhận thức sâu sắc rằng, EU không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ với tư cách là một đồng minh. EU có lẽ đã quá ngây thơ khi tin tưởng rằng việc cân bằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giúp khối khỏi bị chèn ép giữa hai cường quốc.

Hầu hết các quan chức châu Âu đều nhất trí rằng những thách thức mà EU phải đối mặt cần được giải quyết, nhưng thực tế là việc cố gắng đạt được một chính sách đối ngoại chung là điều đặc biệt khó khăn đối với tổ chức gồm 27 quốc gia với những ưu tiên khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ có một năm 2022 đầy khó khăn và thách thức, cả về đối nội và đối ngoại. (Nguồn: CNN/Getty Images)

Nội bộ lục đục, khủng hoảng chực chờ

R. Daniel Kelemen, nhà nghiên cứu về chính trị EU tại Đại học Rutgers, cho biết: “Trong khi EU đưa ra hầu hết các quyết định lớn của mình trên cơ sở đa số tuyệt đối, các quốc gia thành viên lại rất miễn cưỡng trong việc từ bỏ quyền phủ quyết đối với chính sách đối ngoại”.

Do đó, bất kỳ chính sách đối ngoại nào của EU đều phụ thuộc rất lớn vào từng thành viên riêng lẻ.

Các nước như Hungary và Ba Lan - với những chính sách chống dân chủ, chống EU - đã kiên quyết bám giữ lấy quyền phủ quyết và ngăn chặn các chính sách của EU nhằm trả đũa những lời đe dọa rút tài trợ hoặc xóa bỏ quyền phủ quyết.

Điều này tạo ra vấn đề cho Brussels, như Kelmen phân tích - khi các đối thủ như Nga và Trung Quốc có thể, "kết nối trực tiếp với chính phủ các nước, về cơ bản biến họ trở thành ‘con ngựa thành Troy’ trong nội khối EU - chủ nhân của các hành động đối đầu".

Ông Andrius Kubilius, cựu Thủ tướng Litva hiện đang là thành viên Nghị viện châu Âu (MEP), lưu ý rằng Điện Kremlin đặc biệt biết cách khai thác điều này, bằng cách "tăng cường quan hệ với các quốc gia thành viên riêng lẻ" chứ không phải với các thể chế EU - vốn được cho là luôn mang tính chất “diều hâu” hơn các quốc gia.

Tuy nhiên, các vấn đề đối ngoại mà EU phải đối mặt còn lớn hơn cả những bất đồng giữa các nước thành viên.

Sophie in 't Veld, một nghị sĩ theo trường phái tự do của Hà Lan, cho biết: "Cách thức mà EU được thiết lập về cơ bản cản trở việc giải quyết các cuộc khủng hoảng mà liên minh đang phải đối mặt".

Bà nói thêm: “Ủy ban có thể chủ động đưa ra sáng kiến, như đã làm khi xử lý đại dịch Covid-19 và đã mang lại kết quả tích cực. Nhưng về đối ngoại, EU hoàn toàn không để ý đến các nước thành viên, những nước thậm chí không được góp phần xây dựng nên Tầm nhìn toàn châu Âu".

Về sự phụ thuộc của Ủy ban EU vào các nước thành viên, trong trao đổi, các quan chức liên minh vẫn cho rằng, kể cả vị trí của Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - cũng chỉ có được sau khi trải qua nhiều cuộc thương thuyết không dễ dàng.

Julian King, cựu nghị sĩ châu Âu cho biết, bà Leyen không phải là lựa chọn đầu tiên của đảng (CDU). Ông nói: "Điều này đã hạn chế sự độc lập của bà ngay từ đầu”.

Nghị sĩ này cũng cho rằng “bà Leyen phụ thuộc nhiều hơn vào các nước, đặc biệt là Đức và Pháp, và thật không may, cả Berlin và Paris đều không có sự ổn định chính trị như trước đây”.

Nước Đức gần đây chỉ mới thành lập một chính phủ liên minh ba đảng giữa đảng Dân chủ xã hội trung tả, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do ủng hộ doanh nghiệp.

Trong khi thỏa thuận các bên trên giấy tờ, có vẻ giống một sự tiếp nối chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Angela Merkel, thì đảng Xanh – với lãnh đạo là bà Annalena Baerbock được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao - trước đây đã có quan điểm cứng rắn với Nga và Trung Quốc hơn các đối tác trong liên minh.

Không những thế, ở Đức, lãnh đạo đảng Xanh - bà Annalena Baerbock - người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao - từng có quan điểm cứng rắn với Nga và Trung Quốc hơn các đối tác trong liên minh.

Trong khi đó ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 4. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Macron bảo toàn được vị trí của mình, thì từ nay đến cuối tháng 6, ông cũng sẽ phải “tập trung vào các vấn đề trong nước để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội nếu muốn điều hành đất nước một cách hiệu quả".

Tháng 6 là thời điểm rất quan trọng, bởi vì Pháp hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU trong nửa đầu năm 2022. Ông Macron cho đến nay là người ủng hộ mạnh mẽ nhất một chính sách châu Âu có sức mạnh địa chính trị lớn hơn, ủng hộ những ý tưởng về quân đội châu Âu và một chính sách đối ngoại không chỉ đi theo sự dẫn dắt của Mỹ.

Thực tế là Tổng thống Macron đang kỳ vọng rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Paris, Hội đồng châu Âu sẽ ký thông qua quy trình "La bàn chiến lược" đầy tham vọng tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 sắp tới.

La bàn chiến lược - một hướng dẫn hoạt động trong việc ra quyết định về các vấn đề an ninh và quốc phòng - sẽ tạo điều kiện cho EU có lực lượng thường trực và một chính sách chiến lược chung.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên đã bảo lưu về đề xuất này, với những lý do từ chi phí cho đến những thực tế chưa được đề cập và cả yếu tố Nga.

Và với việc ông Macron tập trung vào chiến dịch tái tranh cử, châu Âu chỉ có thể chờ đợi nhà lãnh đạo mà về mặt lý thuyết là có quyền lực nhất liên minh vào thời điểm này.

Nhưng trong khi châu Âu chờ đợi, thì những cuộc khủng hoảng mà châu lục này phải đối mặt không đợi được như vậy. Và đối thủ của EU cũng biết điều này.

Bà Cathryn Cluver Ashbrook, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: “Rất nhiều thứ đang xảy ra cùng một lúc và về mặt lịch sử, EU rất tệ trong việc cùng lúc đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng.

Kể cả khi chỉ một trong các vấn đề sau trở nên nghiêm trọng hơn - cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus và căng thẳng Ukraine - thì cũng sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin có thêm con bài mặc cả trong đối thoại”.

Bà Ashbrook còn cảnh báo: "Không khó để tưởng tượng mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều, khi Trung Quốc và Nga cùng phối hợp".

Vậy, con đường khả thi nào cho EU ở phía trước, với tất cả những trở ngại đó?

Hành động hay không hành động?

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói với CNN rằng họ không mấy lạc quan: "Chúng tôi hiểu về những vấn đề này từ lâu, cả đối nội và đối ngoại. Các vấn đề đó sẽ càng trở nên tồi tệ khi Nga và Trung Quốc quyết đoán hơn, Mỹ với tư cách một đồng minh trở nên khó đoán hơn, chúng ta thì bị chia rẽ nhiều hơn, ngày càng nhỏ bé và ít quan trọng hơn trên trường quốc tế".

Tuy nhiên, nhà ngoại giao này đã bổ sung 2 điều có thể buộc cả EU và các nước thành viên cùng phải hành động: "Nếu cuộc bầu cử giữa kỳ của nước Mỹ dẫn tới khả năng cựu Tổng thống Trump hoặc một người nào đó tương tự ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, và (nếu) Nga ngày càng quyết đoán, chúng ta (EU) có thể bị kích động đến mức có những hành động cực đoan, hoặc rơi vào cảm giác bất lực".

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng những hành động quyết liệt sẽ buộc (các nước) chi tiêu và trao quyền lực cho Brussels nhiều hơn.

Theo ông Keleman, ở các nhà nước liên bang, những điều đầu tiên được chính quyền trung ương thông qua là chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. 2021 đã chứng kiến một EU chia rẽ về dân chủ, vaccine và biến đổi khí hậu. Do đó, 2022 cũng khó mà êm đềm.

Tiếp tục những vấn đề trên, và trong bối cảnh các thành viên không tin tưởng lẫn nhau, sẽ mất nhiều thời gian hơn 12 tháng để có được tiến triển.

Dầu vậy, nếu đại dịch Covid-19 thuyên giảm, tình hình có thể sẽ khả quan hơn.

Nhưng điều khối này cần lưu ý là cách phản ứng với sự đối đầu, có thể là từ Belarus, Nga, Trung Quốc hay thậm chí là Mỹ.

Sắp tới, cũng cần xem khi nào thì EU đứng về phía các thành viên của mình trong chính sách với các đối thủ có quan hệ tài chính với khối. Ví dụ như với Lithuania - nước gần đây công nhận Đài Loan (Trung Quốc) là một thực thể có chủ quyền và khiến chính phủ Trung Quốc tức giận - trong khi Ủy ban châu Âu vẫn khăng khăng giữ chính sách Một Trung Quốc.

Nhiều nhà ngoại giao và quan chức nói với CNN rằng, cái giá phải trả của trạng thái bất động, hoặc không hành động của EU, sẽ là một vị thế ngày càng giảm sút trên trường quốc tế cũng như ảnh hưởng tới các kế hoạch thống nhất được phát triển sau hàng thập niên chiến tranh và chia rẽ.

Tệ hơn nữa, nếu châu Âu không ra mặt ủng hộ các nền dân chủ thì cũng có nghĩa như là việc ngầm chấp thuận sự trỗi dậy của một số quốc gia.

Nguy cơ đối với liên minh nhiều hơn những gì mà những người chỉ nghĩ tập trung vào các chính sách ngắn hạn ở Brussels có thể nhận ra. Tuy nhiên, trong năm 2022, châu Âu cũng có cơ hội để làm điều cần làm và thực hiện nghĩa vụ của một liên minh toàn cầu - là bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ và các giá trị phương Tây.

Nếu EU không nắm bắt được cơ hội này, gần như chắc chắn những người phản đối những giá trị này sẽ tiếp tục dẫn dắt cả khối đi vào thế tiến thoái lưỡng nan.