VNHNO - Theo đại diện Bộ Tài chính, việc xử lý 12 dự án của ngành Công thương được triển khai đúng tiến độ, theo đúng kế hoạch, phương án mà ban chỉ đạo đưa ra, tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn nhất định.
Thông tin tại tọa đàm “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” diễn ra mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: “Hiện nay với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các Bộ và đặc biệt bản thân các doanh nghiệp (DN) đã rà soát lại, tiến hành một số biện pháp quyết liệt trong vấn đề đổi mới quản trị, rà soát chi phí. Sau hơn 1 năm, chúng tôi đã tổng kết lại: trong 12 dự án có 4 dự án bắt đầu khôi phục lại, đã hoạt động sản xuất lại, có 2 doanh nghiệp bên hóa chất đã có lãi; 3 dự án trước đây dừng hoạt động sản xuất đến nay bắt đầu khởi động lại...".
Ảnh minh họa
Cụ thể, đối với 06 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay, đã có 02 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (gồm Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung). Có 04 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.
Đối với 03 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ).
Đối với 03 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, thì 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Phú Thọ đang thực hiện việc tìm kiếm đối tác đầu tư để tiếp tục thực hiện Dự án, Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên đang triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước để tạo chủ động cho nhà đầu tư tiếp tục đầu tư dự án).
Toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp tới nay đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; qua đó làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.
Ông Tiến khẳng định, như vậy tất cả 12 dự án của ngành Công thương được triển khai đúng tiến độ, theo đúng kế hoạch, phương án mà ban chỉ đạo đưa ra. Tuy nhiên xử lý 12 dự án này vẫn còn rất khó khăn bởi chúng ta cương quyết làm theo thị trường. Ví dụ có những dự án bán không được chúng ta phải chấp nhận phá sản; có những dự án không bán được, không khởi động được thì phải chuyển sang hình thức khác.
“Quan điểm của Bộ Tài chính, nếu có phương án hiệu quả và các Bộ ngành kiểm soát được hiệu quả thì không có lý do để không đầu tư. Ngay cả việc có thể báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung vốn Nhà nước để đầu tư lại nhằm tạo ra một doanh nghiệp hiệu quả khi hoạt động tốt có thể bán thu hồi vốn”. ông Tiến nói.
Tại cuộc họp nhằm của ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương diễn ra chiều 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tư pháp trong quý IV/2018 chủ trì phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cùng lãnh đạo 4 tập đoàn, tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác định hướng xử lý các vướng mắc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao…
Ngân hàng Nhà nước chủ trì họp về tái cơ cấu nợ ở các tổ chức tín dụng tham gia các dự án, nhà máy thua lỗ yếu kém thuộc thẩm quyền của Thống đốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc bảo đảm môi trường tại các dự án, nhà máy, đôn đốc việc xác nhận xử lý sự cố môi trường vỡ bãi thải Gyp ở DAP 2 Lào Cai để nhà máy tiếp tục đi vào hoạt động.
Bộ Công Thương đánh giá rõ tác động của vấn đề thương mại toàn cầu tới các mặt hàng sản xuất, khuyến cáo các tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp…
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo Đề án được phê duyệt, chú ý đẩy mạnh một bước xử lý các vướng mắc của hợp đồng EPC trong quý IV; tăng cường quản trị cả về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh khi cơ cấu lại các dự án này./.