Từ gác lại quá khứ, hướng tới tương lai…
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một mối quan hệ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với mối quan hệ giữa các quốc gia khác, bởi hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến vô cùng tàn khốc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Gác lại được quá khứ đau thương để có thể bình thường hoá quan hệ là niềm vui của cả hai dân tộc. Nhưng để đi đến được ngày đó là một chặng đường dài với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước.
Khó khăn lớn nhất là chiến tranh đã kết thúc nhưng cuộc chiến khốc liệt ấy đã để lại sự thù địch trong nhiều năm sau đó, khiến hai bên không hiểu hết nhau, dẫn đến những nghi kỵ. Tiếp theo là câu chuyện giải quyết hậu quả chiến tranh, câu chuyện những vết hằn chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Với Việt Nam cũng vậy, đau thương còn kéo dài trong biết bao gia đình có những người con đã ngã xuống, hay nhiễm phải thứ chất độc có thể truyền đến đời thứ ba, thứ tư - chất độc da cam…
Trong những năm dài đó, với nỗ lực từ cả hai phía, hàng loạt các cuộc đàm phán, tiếp xúc đã diễn ra, những cầu nối được thiết lập… Và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng bằng sự kiện ngày 3/2/1994, khi Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam.
Hơn một năm sau đó, vào đêm ngày 11/7/1995 (giờ Mỹ), kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong bản đó có đoạn: Giờ đây chúng ta có thể tiến tới một cơ sở chung. Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh thánh, là một thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo.
Sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam, tại Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11/7/1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi và phù hợp với nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế.
Đó là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Có thể khẳng định, với tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Những nguyên tắc này đã và đang được thể hiện xuyên suốt trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Đến quan hệ Đối tác toàn diện
Sau khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ mỗi ngày qua đi lại có thêm những dấu mốc mới. Cùng nhau gác lại quá khứ, hướng đến tương lai để thiết lập những mốc son trong trang sử mới: ngày 25/7/2013, Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kể từ đó đến nay, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ là khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này tạo cơ sở để hai bên tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ. Nổi bật trong hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015; chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam năm 2016; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ năm 2017; các chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam vào năm 2017 và 2019; chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm 2021; chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ vào tháng 5/2022…
Gần đây, trong cuộc điện đàm cấp cao vào tối ngày 29/3/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tiếp đến, tại cuộc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 5/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, quan hệ Việt Nam và Hoa kỳ đã có những bước tiến dài sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, có nhiều hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và xác định Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...
Trên cơ sở quan hệ chính trị ngày càng mở rộng, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 240 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 lên hơn 123 tỷ USD vào năm 2022. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 51,29 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD, đứng thứ 14 trong số 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Mỹ cũng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Các lĩnh vực khác như hợp tác giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, y tế đều đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hằng năm có từ 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Trước đại dịch COVID-19, có năm đã đạt hơn 31.000 sinh viên. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới có sinh viên theo học ở Mỹ.
Khách du lịch Mỹ duy trì ở tốp 5 về số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch COVID-19. Nay khi đại dịch đã qua, Việt Nam đang phấn đấu hướng tới mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Mỹ tới Việt Nam.
Hai bên cũng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian. Hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân cũng ngày càng được đẩy mạnh, có lợi cho việc phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Như vậy, sau 28 năm bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, những thành quả mà hai nước đạt được đã chỉ ra rằng: hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước./.