26/04/2024 lúc 16:46 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam nỗ lực sớm có vaccine Covid-19 bảo vệ người dân trong năm 2021

Chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, với tấm lá chắn “5K”. Để có thể chiến thắng toàn cục trong trận chiến với dịch bệnh Covid-19, cần có thêm vũ khí mạnh là vaccine trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong năm 2021 Việt Nam sẽ cố gắng để người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ và sớm nhất để có thể tái khởi động nền kinh tế.

Chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, với tấm lá chắn “5K”. Để có thể chiến thắng toàn cục trong trận chiến với dịch bệnh Covid-19, cần có thêm vũ khí mạnh là vaccine trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong năm 2021 Việt Nam sẽ cố gắng để người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ và sớm nhất để có thể tái khởi động nền kinh tế.

Tiêm chủng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực, khẩn trương, phối hợp với các tổ chức, đơn vị sản xuất vaccine để có thể đàm phán, sớm có vaccine cho người dân. Ước tính trong năm 2021, nếu đảm bảo tiêm cho dân số thì phải có 150 triệu liều vaccine.

Hiện Bộ Y tế đã đàm phán với các đơn vị, kết quả có tổng số 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người dân Việt Nam. Cụ thể, chương trình Covax cam kết cung cấp 30 triệu liều chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Đây cũng là số liều mà AstraZeneca cam kết với Việt Nam. Như vậy, tổng số trong năm 2021, Việt Nam có 60 triệu liều.

Bộ Y tế cũng tiếp tục đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna và một nước khác, nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc đảm bảo vaccine cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế cấp phép và nhập khẩu vaccine trong điều kiện khẩn cấp. Trong vòng 5 ngày, các cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện toàn bộ quy trình hồ sơ và dữ liệu lâm sàng, chất lượng của vaccine để cấp phép sớm, trên tinh thần giảm bỏ tối đa thủ tục hành chính theo cơ chế khẩn cấp.

Trong năm 2021 Việt Nam sẽ cố gắng để người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ và sớm nhất để có thể tái khởi động nền kinh tế. Ảnh: Internet

Về sử dụng vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y Tế tuân thủ đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định pháp luật có liên quan trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao như nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.

Nhấn mạnh việc nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân và đặt mục tiêu trong tháng 2 này phải có được vaccine. Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước. Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiệp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra.

Với nỗ lực của bộ, ngành liên quan cùng với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vào cuối tháng 2 này, Việt Nam sẽ có những liều vaccine nhập khẩu đầu tiên, là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine Covid-19 tương đối tốt.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác, đàm phán nguồn vaccine phòng Covid-19 từ bên ngoài, Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19. Với vaccine Nano Covax, bước đầu các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể.

Với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm 25mcg, 50mcg và 75mcg sau khi hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu 7 ngày sau tiêm mũi 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên. Vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax do Việt Nam sản xuất an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác. Hiệu quả kháng thể tăng gấp 4 lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus.

Bước đầu các chuyên gia đánh giá vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Ảnh: Internet

So với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian còn 3 tháng thay vì 6 tháng, nghiên cứu vaccine Nano Covax do Việt Nam sản xuất, phòng Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình… Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 đối tượng tại Bến Lức, tỉnh Long An. Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.

Việt Nam đã được báo chí quốc tế ca ngợi về thành công trong chống Covid-19, khi một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, nhưng đã phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tuy nhiên, trước biến chủng SARS-CoV-2 đang hoành hành, không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang. Việt Nam có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn tốt các ổ dịch trước đây. Biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay, song song với việc chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai tiêm vaccine Covid-19, đó là người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế nhằm đảm bảo khống chế dịch thành công.