19/03/2024 lúc 17:32 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giá trị trên 1 tỷ USD

VNHN - Việt Nam chưa có doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD, trong khi ở khu vực Đông Nam Á đã có 7 DN loại này (Singapore: 4, Indonesia: 3). Đó là thông tin tại Hội thảo "Sáng tạo, Cộng đồng và Tác động: Giao thức vì tương lai" do Diễn đàn mở Kambria phối hợp với Lixibox tổ chức ngày 14/11, tại TP. HCM.

VNHN - Việt Nam chưa có doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD, trong khi ở khu vực Đông Nam Á đã có 7 DN loại này (Singapore: 4, Indonesia: 3). Đó là thông tin tại Hội thảo "Sáng tạo, Cộng đồng và Tác động: Giao thức vì tương lai" do Diễn đàn mở Kambria phối hợp với Lixibox tổ chức ngày 14/11, tại TP. HCM.

Sự kiện thu hút đông đảo cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam

Sự kiện thu hút đông đảo cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam bởi sự có mặt của nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, ngân hàng,… đến từ Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ. 

Có thể kể đến sự góp mặt của cặp song sinh nhà Winklevoss nổi tiếng từ năm 2006 với vụ kiện Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg với cáo buộc ăn cắp ý tưởng mạng xã hội của họ. Đến năm 2009, họ được bồi thường 65 triệu USD.

Sau đó, hai anh em nhà Winklevoss đã dùng 11 triệu USD để đầu tư vào Bitcoin và trở thành những tỷ phú Bitcoin đầu tiên trên thế giới. Đến nay, họ trở thành đồng sáng lập Gemini Capital - một nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số thế hệ mới, đồng thời là chủ sở hữu Winklevoss Capital Management - một công ty đầu tư tư nhân hợp tác với các DN giai đoạn tiền khởi nghiệp.

Hay, sự góp mặt của Joe Lonsdale là đối tác sáng lập 8VC - một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco và là nhà đầu tư giai đoạn tiền khởi nghiệp của nhiều công ty đáng chú ý như Wish, Oculus, Blend, ZenReach, Color Genomics. Trong hai năm 2016 và 2017, anh là thành viên trẻ nhất có tên trong danh sách 100 Midas do Forbes bình chọn.

Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của Jack Abraham - Sáng lập viên và Giám đốc điều hành Vườn ươm DN Atomic, người được đề cử là một trong "100 người sáng tạo nhất trong kinh doanh" và "Doanh nhân trẻ xuất sắc nhất nước Mỹ"; Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Quỹ Founders; Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Illumio;...

Đây là một trong các sự kiện quy tụ được số lượng lớn công ty công nghệ và đầu tư khởi nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ (trong đó có 6 tỷ phú USD) đến với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Cơ hội lớn để phát triển bứt phá

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, đối với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên công nghệ, việc kết nối quốc tế để phát triển kiến thức, kinh nghiệm hoạt động và nguồn vốn đầu tư vào các ý tưởng, công nghệ mới là hết sức quan trọng. 

Đây cũng là một trong các giải pháp giúp nâng cao chất lượng, khả năng sinh tồn, phát triển và cạnh tranh của các DN khởi nghiệp trên thị trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo

Hội thảo mang lại các thông tin và chia sẻ hữu ích đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và các chuyên gia công nghệ, các nhà đầu tư đến từ Thung lũng Silicon, từ đó khởi tạo các cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai giữa hai bên. 

Các bài học về văn hóa khởi nghiệp và kinh nghiệm khởi nghiệp thành công tại Thung lũng Silicon, kể cả các bài học rút ra từ các thất bại, sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, kịp thời đổi mới tư duy và điều chỉnh đối sách cho phù hợp với xu thế quốc tế và bối cảnh Việt Nam.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của các công nghệ mới trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ robot, giao tiếp máy với người, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ Blockchains, máy tính lượng tử, ứng dụng tương tác thực (Augmented Reality) và thực tế ảo (Virtual Reality) mở ra cơ hội thay đổi đột phá các quy trình sản xuất, phương thức điều hành kinh tế - xã hội và đời sống con người, đồng thời, đặt ra thách thức rất lớn với các nước đang phát triển khi trình độ và nguồn lực có hạn.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đối với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển bứt phá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó thông qua việc tập trung phát triển hạ tầng số và kinh tế số; cải thiện môi trường thể chế và môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế. 

Đặc biệt là giải pháp thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích biến các ý tưởng sáng tạo thành DN khởi nghiệp khả thi và bền vững, mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho xã hội.

Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi, cần sự chung tay liên kết chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, trong đó có vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp; nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các định chế tài chính công - tư; hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, đội ngũ huấn luyện, tư vấn, cố vấn khởi nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp từ các các trường đại học.

Thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các DN lớn để các DN khởi nghiệp có thể tham gia sân chơi chung và tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; cuối cùng, đó là văn hóa khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích người trẻ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, tư duy sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro, thất bại để đi đến thành công.

Tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp

Với quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo

Điều này đã được cụ thể hóa bằng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 (Quyết định 844/QĐ-TTg); khung pháp lý, chính sách đã bước đầu hoàn thiện để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm thông qua các chế định của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đến nay, cả nước có trên 40 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng DN khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh. Nếu như năm 2015, Việt Nam có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp, đến năm 2017 đã tăng hơn 3.000 DN khởi nghiệp.

Tuy nhiên, chất lượng của ý tưởng sáng tạo và năng lực của các nhóm khởi nghiệp Việt Nam cần được cải thiện. Việt Nam chưa có DN khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD, trong khi ở khu vực Đông Nam Á đã có 7 DN loại này (Singapore: 4, Indonesia: 3).

Tại hội thảo, nhiều nhà công nghệ, đầu tư chia sẻ, sự có mặt của người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ trong sự kiện này là thông điệp về sự quan tâm ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đối với cộng đồng khởi nghiệp và tầm quan trọng của nhân tố công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao và có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Thị trường công nghệ châu Á, trong đó có Việt Nam, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển bởi nguồn nhân lực có tri thức và tố chất thông minh, chăm chỉ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả và Ban tổ chức

Nói về vai trò của Chính phủ đối với sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, diễn giả Joe Lonsdale - đối tác sáng lập 8VC cho rằng, cần tạo độ thông thoáng trong hệ thống chính sách, có cơ chế mở để DN khởi nghiệp có thể gửi vấn đề trực tiếp đến cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp được hình thành thông qua giáo dục và đầu tư vào nguồn vốn con người. Theo đó, cần cải tổ hệ thống giáo dục từ cấp bậc mầm non tới đại học; giáo dục trẻ em tư duy phê phán, dạy cho học sinh biết cách giải quyết vấn đề thay vì thụ động thu nạp kiến thức. 

"Với văn hóa sáng tạo và khởi nghiệp, chúng ta có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn những gì chúng ta kỳ vọng" - diễn giả Joe Lonsdale chia sẻ.

Trước câu hỏi làm thế nào để có thể rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo các diễn giả, cần có nhiều người Việt Nam hơn nữa tham gia làm việc tại Thung lũng Silicon, bởi đây là môi trường lý tưởng để ươm tạo, phát triển công nghệ và DN. 

Khi làm việc tại đây, họ không chỉ tích lũy được kiến thức, kỹ năng, công nghệ mà còn học hỏi được sự vận hành, quản lý một DN khởi nghiệp. Đây cũng là xu hướng được nhiều quốc gia đang phát triển thực hiện./.

Theo Congthuong.vn