26/04/2024 lúc 22:39 (GMT+7)
Breaking News

Từ nghiên cứu tới phát triển

VNHN - Khi bảo vệ một vấn đề, chính sách, quy định ở chốn nghị trường hay trên các phương tiện truyền thông, tác giả của chúng rất hay sử dụng các cụm từ “trên thế giới”, “ở nhiều nước”, “qua kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế”. Chúng làm cho người đọc yên tâm về “chất lượng quốc tế” của các công việc đó.

VNHN - Khi bảo vệ một vấn đề, chính sách, quy định ở chốn nghị trường hay trên các phương tiện truyền thông, tác giả của chúng rất hay sử dụng các cụm từ “trên thế giới”, “ở nhiều nước”, “qua kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế”. Những cụm từ ấy làm cho người đọc và người nghe yên tâm về “chất lượng quốc tế” của các công việc đó.

Thực tế không hẳn như vậy.

“Trên thế giới” là thế giới nào? “Ở nhiều nước” cụ thể là những nước nào? “Kinh nghiệm quốc tế” cụ thể là của ai? Nguồn thông tin đâu? Rất ít khi tìm được câu trả lời đầy đủ, thuyết phục cho các câu hỏi này.

Hầu hết lĩnh vực của chúng ta đều lạc hậu, hầu hết cách làm, thủ tục của chúng ta kém hiệu quả so với nhiều nước khác trong ASEAN (trừ Lào, Campuchia, Myanmar), chưa nói đến việc so sánh với các nước công nghiệp phát triển ở các khu vực khác. Nhưng các cụm từ yêu thích nêu trên có thể tìm thấy dễ dàng trong các văn bản của bất kỳ lĩnh vực nào. Số đoàn ra nước ngoài khảo sát, học hỏi kinh nghiệm không phải ít. Thế nhưng, chỉ xem cách đào tạo, cấp bằng lái xe, hay hệ thống biển báo giao thông ở Việt Nam đã thấy ngay một sự thật là chúng ta chẳng hề nghiên cứu, tiếp thu tử tế kiến thức nhân loại. Nhiều lĩnh vực ở trong tình trạng như thế. Chúng ta thường nghiên cứu và hiểu biết thế giới hời hợt, phiến diện, nhưng lại tưởng là biết hết, hiểu hết.

Nhưng thôi, hãy lướt qua một số con số biết nói về cái gọi là “nghiên cứu” ở nước ta và của các nước khác trong lĩnh vực “Nghiên cứu & Phát triển” (“R&D”).

Các thước đo chính về tiềm lực R&D của một quốc gia là tổng chi cho R&D và tổng số các bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ.

Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất cho R&D, ở mức 2,8% GDP. Mỹ chiếm nhiều nhất bằng sáng chế PCT (Patent Cooperation Treaty) thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO).

Mà thôi, không so số lượng bằng sáng chế PCT với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản… nữa, so với các nước nhỏ hơn vậy. Israel là một quốc gia nhỏ trên sa mạc cằn cỗi, nhưng lại là nước xuất khẩu lớn các hàng hóa nông sản. Họ rất mạnh trong các lĩnh vực công nghệ tin học, hàng không, quốc phòng... Mỗi năm Israel chi 4,3% GDP cho R&D.

Tóm lại là không nên so sánh chúng ta với các nước về số bằng sáng chế PCT mà bi quan. Chúng ta làm ra chưa bằng con số lẻ của thiên hạ. Nhưng chúng ta có thể tự hào là chúng ta có không ít cơ sở, trung tâm R&D. Theo số liệu cập nhật, cả nước có khoảng gần 1.000 đơn vị R&D cấp Trung ương (thuộc các Bộ) và gần 2.000 đơn vị R&D cấp địa phương hoặc doanh nghiệp. Số đơn vị R&D cấp Trung ương như vậy là nhiều. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có các hoạt động và chi phí R&D.

Ngần đấy cơ sở, trung tâm R&D mà mỗi năm chỉ sản sinh được một vài chục sáng chế đăng ký PCT thì lạ nhỉ?

Tôi không hiểu các viện, các trung tâm R&D thuộc các cơ quan, doanh nghiệp làm những việc gì và chi bao nhiêu tiền, nhưng mỗi lần bước chân vào các siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Phan Khang, các siêu thị ăn uống và đồ gia dụng Maximark, Co-op, Vinmart… thật hiếm thấy các sản phẩm của “R&D Việt”.

R&D là điểm khởi đầu của bất kỳ sản phẩm hàng hoá nào có hàm lượng chất xám, dù trong công nghiệp, nông nghiệp, y dược... Từ R&D đến thiết kế, từ thiết kế đến sản xuất, từ sản xuất đến tiêu thụ - đó là chuỗi giá trị các sản phẩm. Ta không chú trọng và làm tốt ở ngay khâu đầu tiên, làm gì có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đi vào các hệ thống phân phối toàn cầu?

Đã đến lúc phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: các cơ sở, trung tâm R&D của nước ta có năng lực R&D hay không?