27/04/2024 lúc 10:22 (GMT+7)
Breaking News

Trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội

Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch xây dụng đô thị trên địa bàn Thủ đô có nhiệm vụ lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể, trình Thủ tướng phê duyệt.

Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch xây dụng đô thị trên địa bàn Thủ đô có nhiệm vụ lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể, trình Thủ tướng phê duyệt.

Trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội

Phó Chủ tịch Hà Nội làm Trưởng Ban chỉ đạo

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định kiện tòa Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông làm Trưởng ban. Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Ban thường trực.

Ban chỉ đạo còn có 7 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành như: Sở Xây dựng, Sở Công thương, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội...; các thành viên là Chủ tịch 12 quận nơi có cơ sở di dời và đại diện lãnh đạo các đơn vị có dự án di dời.

Quyết định kiện toàn nêu rõ Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND TP lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, trình Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 130.

Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Đồng thời, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời.

4 vướng mắc về chính sách trong di dời nhà máy khỏi nội đô

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Theo quyết định này, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh thuộc vùng Thủ đô có liên quan lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch , trong khi đó, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên báo động.

Theo UBND TP Hà Nội cho biết hiện có 4 vướng mắc lớn về cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, bất cập dẫn đến đến tiến độ xử lý, di dời chậm.

Thứ nhất, khó khăn vướng mắc trong việc xác định đối tượng di dời, theo Quyết định 130 không phân biệt doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước trong khi Nghị định 167 và Nghị định 67 lại quy định doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Về thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng nhưng Nghị định 167 lại quy định Thủ tướng phê duyệt đối với di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch.

Thứ hai, cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, cơ chế di dời chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch (trước đây chính sách tại Quyết định số 86/2010/QĐ- TTg ngày 22/12/2010, có quy định: Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch nay đã hết hiệu lực thi hành).

Thứ ba, hiện nay theo Điều 3, Quyết định số 130 quy định quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí cho doanh nghiệp bị di dời. Như vậy nhiều doanh nghiệp có cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch không thống nhất đưa vào danh mục di dời (do theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì có hình thức tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch).

Thứ tư, theo quy định “Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự như Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;...”. Tuy nhiên, đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi nội thành lại chưa được các Bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng phê duyệt.

Về giải pháp thực hiện, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các Sở ban ngành và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo danh mục di dời cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng ra khỏi khu vực nội thành.

Đồng thời, UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; Bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Cho ý kiến về tiêu chí để xác định cơ sở sản xuất công nghiệp (ngành nghề, quy mô, diện tích sản xuất...) theo quy định tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg; Đồng thời ban hành cơ chế di dời, như: Chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời... tạo cơ chế phù hợp cho các cơ sở di dời thực hiện, khi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg đã hết hiệu lực thi hành.

"Sau khi xác định rõ tiêu chí, thẩm quyền và kết quả rà soát lại danh mục để đảm bảo đúng đối tượng thì UBND sẽ trình HĐND TP xin ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt danh mục di dời các cơ sở không phù hợp với quy hoạch", UBND TP cho biết.