13/05/2024 lúc 20:41 (GMT+7)
Breaking News

Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh): Lưu giữ nét truyền thống trong thời hiện đại

VNHN - Bắc Ninh không chỉ là nơi có tiềm năng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là vùng đất được nhắc đến như cái nôi của làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

VNHN - Bắc Ninh không chỉ là nơi có tiềm năng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là vùng đất được nhắc đến như cái nôi của làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. 

Tranh đám cưới chuột

Tranh Đông Hồ tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán. Vào năm 2013, nghề tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đến năm 2017, nghề tranh Đông Hồ được lập hồ sơ quốc gia để trình lên UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tranh Đông Hồ là loại tranh khắc gỗ in màu, có vẽ tay nhưng chủ yếu là khắc gỗ - tranh mộc bản, xuất hiện ở các quốc gia ở Châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc…. Theo các nhà nghiên cứu thì tranh khắc gỗ Đông Hồ rất mộc mạc, nó không quá tinh vi như tranh ở Nhật Bản và không rực rỡ chau chuốt như tranh ở Trung Quốc mà nó mang một vẻ đẹp giản dị, tươi sáng và chân thật. Mỗi bức tranh đều mang một dáng vẻ khoẻ khoắn và đầy sáng tạo.

Được biết, tranh Đông Hồ phát triển mạnh mẽ nhất ở thế kỷ XVII – XVIII, với các đề tài và nội dung phong phú, đa dạng qua cách thể hiện, những đề tài chủ yếu được đưa vào tranh như: Lịch sử ca ngợi những anh hùng dân tộc, phản ánh những chiến công hiển hách trong quá trình giữ nước và dựng nước; tranh thờ vẽ theo lễ giáo, phong tục, câu đối; tranh cảnh vật nói về lòng yêu quê hương, đất nước; tranh sinh hoạt phản ánh công việc đồng áng; chúc tụng thể hiện mơ ước ngàn đời của người lao động….

Việc sử dụng màu sắc cũng góp phần tạo nên thành công của một bức tranh, nếu như chọn nền đỏ thể hiện ở tranh đánh ghen nhằm lột tả được sự nóng giận và bực bội, thì nền màu vàng lại thể hiện được cảnh sắc vui tươi và tràn ngập sắc xuân của ngày tết. Các nghệ nhân đã truyền tải những câu chuyện dân gian vào trong tác phẩm của mình tạo nên những bức tranh gần gũi hơn với đời sống của nhân dân. Ai cũng có thể thưởng tranh, bất kể tầng lớp, cấp bậc trong xã hội đều có thể hiểu và cảm nhận được tranh Đông Hồ. Nhờ vậy, mà tranh Đông Hồ có được sức sống mãnh liệt và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài.

Cùng với việc hoà nhập để bắt kịp những xu thế hiện đại, làng tranh vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi, để những nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được sống trong thời kì hiện đại ngày nay.

Hiểu những giá trị tốt đẹp mà tranh Đông Hồ mang lại, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có những việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy lại hình nghệ thuật này. Điển hình như việc: Xây dựng thêm các tour du lịch tham quan và tìm hiểu về làng nghề, để những thế hệ trẻ hiểu được về dòng nghệ thuật này cũng như đưa tranh Đông Hồ giới thiệu ra bạn bè thế giới.

Bên cạnh đó là đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Với việc thực hiện đề án này đã khẳng định được những vị trí của tranh Đông Hồ, từ đó phát huy và gìn giữ những giá trị nổi bật của làng nghề, đồng thời có những phương hướng để tránh nguy cơ mai một của dòng tranh dân gian này.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan chức năng cũng như tình yêu nghề của các nghệ nhân, làng tranh Đông Hồ sẽ ngày càng phát triển và tô điểm thêm màu sắc cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam.