26/04/2024 lúc 18:25 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM: Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP

Với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén, với tinh thần năng động sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, nhờ lòng dân và sức dân nắm bắt các cơ hội cùng đẩy lùi khó khăn, vượt qua những thử thách. Đến năm 2030, dự kiến thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%.

Với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén, với tinh thần năng động sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, nhờ lòng dân và sức dân nắm bắt các cơ hội cùng đẩy lùi khó khăn, vượt qua những thử thách. Đến năm 2030, dự kiến thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định 3 mục tiêu chính trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương:

Đến năm 2025 thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực phát triển kinh tế của vùng trọng điểm phía Nam và cả nước. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD. Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á. Phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Đến năm 2030, dự kiến thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số. Ảnh: Internet

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề án Đô thị thông minh từ năm 2017. Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả và tạo nên sự khác biệt so với các tỉnh, các thành phố khác. Mục tiêu trước mắt là làm sao để người dân thấy được sự thay đổi từng ngày của thành phố, thông qua sự hoàn thiện không ngừng của các dịch vụ công. Chiến lược lâu dài là hình thành kho dữ liệu để thực hiện số hóa.

Đầu tiên, thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt của người dân. Mục đích của đề án là để người dân có thêm phương tiện tham gia vào hoạt động quản lý của chính quyền, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Ở các cấp quận, huyện đã tăng cường các ứng dụng trực tuyến để người dân có thể dễ dàng phản ánh những kiến nghị.

Tiếp đó, thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào số hóa dữ liệu. Đây chính là sự khác biệt trong đề án của thành phố Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành khác. Thành phố đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung, dựa trên cơ sở đó mà các sở, các ngành tích hợp dữ liệu vào hệ thống và chia sẻ dữ liệu đó để tăng cường hoạt động quản lý của nhà nước. Đồng thời, dữ liệu dùng chung cung cấp, hình thành dịch vụ hành chính công trực tuyến và tiến tới công khai cho người dân và doanh nghiệp cùng khai thác sử dụng.

Thành phố tiến hành đẩy nhanh các ứng dụng số phục vụ người dân. Một số quận, huyện, sở, ngành cũng đưa vào triển khai nhiều ứng dụng số và bước đầu cải thiện rõ nét thời gian làm thủ tục hành chính công. Thành phố tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung và cho đến nay, thành phố đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch của toàn thành phố, dự kiến đến tháng 6/2021, kho dữ liệu này được đưa vào khai thác. Đây là cơ sở hết sức quan trọng bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng. Bởi trong dài hạn, thành phố hướng tới liên thông xử lý dịch vụ công toàn thành phố.

Đối với ngành giáo dục, trong Đề án giáo dục thông minh. Việc xây dựng dữ liệu dân cư trong độ tuổi đến trường sẽ giúp công tác quản lý đưa ra những chính sách dự báo về học sinh trong độ tuổi đến trường và nhu cầu trường lớp tương ứng.

Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả và tạo nên sự khác biệt so với các tỉnh, các thành phố khác. Ảnh: Internet

Bên cạnh những tiện ích cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thì các ngành y tế, giáo dục sẽ có bước chuyển đổi quan trọng trong công tác quản lý hướng đến môi trường số. Đến cuối năm 2020, TPHCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.

Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong giai đoạn này, dự kiến TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương, nghiên cứu sâu các nội dung văn kiện của Đại hội thứ XIII của Đảng để vận dụng, triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới của người dân, của doanh nghiệp thành phố và sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương, bạn bè quốc tế. Sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp, động lực to lớn giúp thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần đưa đất nước phát triển bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò và vị thế trên trường quốc tế.