26/04/2024 lúc 12:57 (GMT+7)
Breaking News

Tính thời đại trong văn hóa ứng xử công vụ

VNHN - Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ gồm những yếu tố bất biến. Trong quá trình vận động, sự vật luôn luôn chuyển hóa cho nhau, làm cho cái đặc thù ngày càng thâm nhập với cái chung và cái chung ngày càng được mở rộng. Đồng thời với quá trình đó còn diễn ra quá trình đổi mới cách tân cái đặc thù, làm cho cái đặc thù không ngừng tiếp thu cái hiện đại ở trong nước và trên trường quốc tế để bổ sung cho truyền thống.

VNHN - Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ gồm những yếu tố bất biến. Trong quá trình vận động, sự vật luôn luôn chuyển hóa cho nhau, làm cho cái đặc thù ngày càng thâm nhập với cái chung và cái chung ngày càng được mở rộng. Đồng thời với quá trình đó còn diễn ra quá trình đổi mới cách tân cái đặc thù, làm cho cái đặc thù không ngừng tiếp thu cái hiện đại ở trong nước và trên trường quốc tế để bổ sung cho truyền thống.

Đất nước ta mới bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng đã nảy sinh một số tác động tiêu cực của toàncầu hóa đối với đạo đức, lối sống của nhân dân và cán bộ, công chức. Đó là những biểu hiện của tư tưởng sùng ngoại, chạy theo lối sống của xã hội tiêu thụ, tuyệt đối hóa giá trị vật chất, tiền bạc, văn hóa lai căng, tự ti dân tộc, thậm chí phai nhạt niềm tin và lý tưởng... Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa

Tuy vậy, với tính cách là một xu thế khách quan của lịch sử toàn cầu hóa, tính thời đại được quyết định bởi trình độ xã hội hóa, quốc tế hóa cao của lực lượng sản xuất hiện đại. Nó bắt buộc và tạo điều kiện cho các quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội khác mở rộng, phát triển trên quy mô toàn cầu. Xét trên phương diện này, toàn cầu hóa là thời cơ và cơ hội thuận lợi cho các quốc gia dân tộc vận động đi lên. Bởi vậy, từ quá trình toàn cầu hóa, nhân dân và cán bộ, công chức nước ta cũng được bổ sung một số giá trị đạo đức, lối sống tích cực như tâm thế mở cửa, hội nhập; văn hóa khoan dung, phẩm chất thích nghi, năng động; tinh thần hợp tác quốc tế rộng mở, đối thoại hòa bình; phong cách lao động và sinh hoạt hiện đại, văn minh; ý thức coi trọng khoa học công nghệ; ý chí phấn đấu xây dựng nước nhà giàu mạnh và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Từ đó cho thấy, văn hóa không chỉ gắn liền với kinh tế và phát triển, văn hóa không chỉ là điều kiện cho sự pháttriển kinh tế. Hơn thế nữa, phát triển vần hóa cùng với phát triển kinh tế đều phải hướng tới sự phát triển của xã hội, phát triển con người; sự phát triển mang tính ổn định và bền vững. Nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta hiện nay là phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, chủ nghĩa yêu nước cũng phải chứa đựng nội dung mới, phù hợp. Yêu nước ngày nay phải là yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội và dốc toàn tâm, toàn ý vào khắc phục nguy cơ tụt hậu về kinh tế của đất nước, sẵn sàng lao động và cống hiến cho sự phồn thịnh của quốc gia. Yêu nước phải được thể hiện thành hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ lao động, nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo..., nhằm góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới, khi Việt Nam tăng cường hội nhập, yêu cầu cấp thiết cần nghiêm túc trong thực hiện cải cách hành chính thì tính hiện đại là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của dân tộc, là sự bổ sung cho tính dân tộc. Giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại chính là giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển. Đã là văn hóa, thường có tính ổn định và bền vững cao, còn phát triển hay hiện đại có tính biến đổi và cập nhật. Nền văn hóa dân tộc ta ngày nay muốn phát triển phải có cả hai điều kiện: vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa hiện đại hóa nền văn hóa ấy bằng việc tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hoá của thế giới. Đó là hai nhiệm vụ lồng vào nhau và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình phát triển của văn hóa. Không thể bảo tồn được văn hóa dân tộc nếu không hiện đại nó theo yêu cầu của đất nước và tiếp nhận những sinh khí mới từ bên ngoài. Không thể hiện đại hóa văn hóa của dân tộc nếu như không bảo tổn và phát huy bản sắc dân tộc của văn hóa. Xây dựng văn hóa ứng xử công vụ trên cơ sở văn hóa truyền thống, nhưng đồng thời cần tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam đã phát huy cao độ tính nhân văn, nền văn hóa dân chủ mới đã góp phần nâng cao dân trí, phát huy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng trong toàn thể nhân dân Việt Nam. Ở góc độ nào đó, nền văn minh công nghiệp đã tạo ra sự phát triển một chiều của con người và xã hội. Mỗi người trong nền văn minh công nghiệp đều đi sâu vào ngành nghề riêng, ít biết đến ngành nghề của người khác, chạy theo những lợi ích trước mắt và ít nghĩ đến lợi ích lâu dài. Hiểu biết và quan hệ của mỗi người được thu vào một phạm vi nhỏ hẹp. Cá nhân thờ ơ với những vấn đề chung của dân tộc và nhân loại. Quỹ thời gian của mỗi người thường được dồn vào công việc ở cơ quan, nhà máy, vào sinh hoạt vật chất trong gia đình. Hoàn cảnh này không tạo được những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một cuộc sống toàn diện và phong phú. Chúng ta đều biết cuộc sống chân chính không chỉ dừng lại ở mặt vật chất, mà còn phải thoả mãn những nhu cầu văn hóa và tinh thần của con người. Chủ nghĩa nhân văn mới trong nền văn hóa Việt Nam hôm nay phải được thưởng thức nghệ thuật, được tham gia thể dục, thể thao, du lịch. Quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong gia đình, xã hội, đơn vị công tác là một điều kiện của hạnh phúc. Con người Việt Nam mới phải có cuộc sống nhiều chiều, là những nhu cầu phong phú và lành mạnh, được phát huy cao nhất năng khiếu và tài năng. Đó chính là tính nhân văn trong nền văn hóa Việt Nam hôm nay, được kế thừa và phát huy trên cơ sở văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong việc xây dựng văn hóa ứng xử công vụ không thể thiếu nhân tố quan trọng này.
Cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta xây dựng văn hóa công vụ những năm đầu của thiên niên kỷ mới trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế nên những tri thức về thị trường, hội nhập hiện đại rất ít. Thương trường hiện đại có cả một cơ chế văn hóa quốc gia và quốc tế gắn với các chuẩn mực đạo đức, chữ tín, chất lượng sản phẩm và giá cả đã được xác lập trong trật tự kinh doanh của khu vực và loài người hàng thế kỷ nay.

Sự chuyển biến lối sống gắn với nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ sang lối sống của nền kinh tế tin học, nền kinh tế tri thức hiện đại là một quá trình biến đổi sâu sắc các phong tục tập quán. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI khẳng định việc xây dựng nhân cách mới gắn liền với việc xây dựng nếp sống văn minh trong gia đình, cơ quan, công sở, trường học và trong các tổ chức đoàn thể, nhà nước...

Tiếp xúc trực tiếp với các thành tựu văn minh của thế giới và đại diện cho văn hóa ứng xử trong thế kỷ mới phải gắn liền với việc xây dựng nếp sống văn minh. Không phải mỗi nhân cách có sự phát triển nội sinh về khoa học kỹ thuật, có hiểu biết về các quan hệ thị trường hiện đại đều là những người có nếp sống văn minh. Nếp sống văn minh còn bao hàm nhiều yếu tố đạo đức, thẩm mỹ, sự quan tâm, sự hy sinh, sự khoan dung, khiêm tốn và ý thức pháp luật. Nếp sống văn minh không phải chỉ là các quan hệ có lý có tình giữa con người với con người. Nó còn bao hàm cả sự ứng xử văn hóa của con người đối với tự nhiên, với môi trường sinh thái; văn hóa ứng xử công vụ của công chức cũng không nằm ngoài những yêu cầu đó.

Vì vậy, vấn đề tính dân tộc và tính thời đại trong sự phát triển của văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử công vụ nói riêng là vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc. Sự kết hợp của hai phương diện này sẽ tạo nên cơ chế hoạt động và tính quy luật của giao lưu văn hóa, không chỉ là quan hệ của cộng đồng này với cộng đồng khác mà còn là sự tự nhận thức lại mình trong đối ngoại văn hóa. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Vũ Khiêu, Phạm Xuân Nam, Hoàng Trinh, Phương pháp luận vể vai trò của văn hóa trong phát triển, Nxb Khoa học xã hội, H.1993;  2.  Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Một số vấn đề văn hóa với phát triển ở Việt Nam - Lào - Campuchia, H.1999; 3.  Hồ Sĩ Vịnh, Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới, Nxb CTQG H.1999.