14/05/2024 lúc 20:48 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Võ Nhai chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm xóa nghèo bền vững

VNHN – Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế và đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

VNHN – Triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế và đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Huyện Võ Nhai đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại nhiều giá trị kinh tế

Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, có tổng diện tích đất tự nhiên là 83.942,6 ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp 11.284,9 ha, đất lâm nghiệp 66.012,18ha. 

Trên địa bàn huyện Võ Nhai còn khá nhiều hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị bệnh tốn kém khiến kinh tế gia đình sa sút, một số gia đình còn thiếu kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XX, các văn bản chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ về công tác giảm nghèo. UBND huyện giao nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được thực hiện bằng việc lồng ghép các chương trình dự án, của chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn kết hợp phát huy nội lực trong nhân dân  tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện phát triển.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên coi chè là cây trồng thế mạnh để tập trung phát triển. Trong khi đó, tại huyện vùng cao Võ Nhai, việc mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây ăn quả đang trở thành một xu thế rõ nét. 

Với tiềm năng về đất đai và đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi, người dân địa phương tích cực đưa các loại cây ăn quả giống mới vào trồng, từ đó thu được lợi nhuận cao.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Dương Văn Tiến chia sẻ: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay huyện chúng tôi đã xây dựng được một số vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, có quy mô trên địa bàn mà bưởi Diễn là một thí dụ. 

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh biết đến bưởi Diễn thâm canh ở Tràng Xá nhiều hơn, đồng thời hỗ trợ tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã để nhân rộng diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu để tăng cường tiêu thụ, nâng cao giá trị loại quả có múi này, giúp người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững và tiến đến làm giàu.

Trước kia, xã Tràng Xá được xác định là một trong những vùng trọng điểm về cây lương thực của huyện Võ Nhai. Địa bàn Tràng Xá rộng lớn, chủ yếu là đồi, núi; những năm trước đây trên diện tích đất ruộng không chủ động nước, đồi núi thấp, người dân trồng mía, đậu tương, ngô, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao, năm 2011, toàn xã có đến hơn 50% số hộ thuộc diện nghèo.

Nhưng mấy năm gần đây, nhiều diện tích trồng ngô, vườn tạp và cả một phần ruộng cấy lúa một vụ đã được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả điển hình là cây bưởi diễn. 

Do hợp thổ nhưỡng và chọn giống tốt nên sản phẩm bưởi Tràng Xá ngày càng được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Nhiều vườn bưởi được các thương lái ở thành phố và Hà Nội đặt hàng trước mùa thu hoạch và đến tận nơi thu mua.

Trao đổi với phóng viên, anh Lương Văn Dương 27 tuổi có vườn bưởi trồng 300 gốc bưởi theo tiêu chuẩn VietGap cho biết: 

Một cây bưởi cho thu hoach trung bình 150 quả cây cao nhất cho hơn 300 quả, giá thành thị trường là 25.000đ/quả; năm nay vườn bưởi nhà anh cho thu hoạch hơn một vạn quả. Thu nhập bình quân mỗi năm thu được từ cây bưởi Diễn của gia đình anh Dương là 250 - 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bưởi mang lại, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các hộ nông dân trong xã có điều kiện về đất đai, lao động đi học tập kinh nghiệm mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng bưởi. Cùng với đó, xã đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi. 

Đến nay, Tràng Xá đã có gần 170ha bưởi, tập trung chủ yếu tại các xóm: Mỏ Đinh, Nà Lưu, Lò Gạch, Tân Đào, Khuôn Ruộng và các xóm  vùng cao như: Nà Lưu, Mỏ Bễn... có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. 

Hiện, xã đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho bưởi Diễn ở Tràng Xá...

Có thể khẳng định rằng, nhờ trồng bưởi nhiều hộ dân ở quê hương cách mạng Tràng Xá đã thoát nghèo tỉ lệ hộ nghèo trước đây chiếm 50% thì đến nay số hộ nghèo giảm còn gần 12% là cả một sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của Huyện ủy, các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng từ phía nhân dân địa phương trên địa bàn Tràng Xá hoàn thành mục tiêu xây dựng chuẩn nông thôn mới./.