02/05/2024 lúc 05:07 (GMT+7)
Breaking News

Tây Nguyên: Nét văn hóa huyền bí "Hội thi tạc tượng gỗ"

Sáng ngày 24/3, tại làng du lịch văn hoá cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum đã khai mạc tuần lễ hội thi tạc tượng gỗ trong khuôn khổ tuần lễ văn hoá du lịch huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. 

Sáng ngày 24/3, tại làng du lịch văn hoá cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum đã khai mạc tuần lễ hội thi tạc tượng gỗ trong khuôn khổ tuần lễ văn hoá du lịch huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. 

Về dự lễ hội tạt tượng quy tụ nhiều nghệ nhân trên toàn Tây Nguyên, một số nghệ nhân tiêu biểu như : nghệ nhân Ksor Hnao (Pleiku, Gia Lai) , nghệ nhân Ksor Êk (Chư Pah, Gia Lai), nghệ nhân A Gông (Kon Plong), nghệ nhân A Tân (Kon Rẫy) tỉnh Kon Tum. Tượng gỗ được chế tác là nét văn hoá độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên và cũng là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của mảnh đất Măng Đen Đại Ngàn.

Toàn cảnh hội thi tạc tượng tại huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum.

Độc đáo nghề tạc tượng tại Măng Đen

Tại làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum có những cuộc thi khoảng vài chục hộ gia đình, cùng về dự thi tạc tượng nghệ thuật truyền thống đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Bắt đầu từ cuộc thi tạc tượng trong khuôn khổ tuần lễ văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum , kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh ( 19/2/1913 – 19/2/2013 ). Rồi sau đó hằng năm cứ vào dịp lễ hội là các nghệ nhân từ khắp các buôn làng tụ hội về đây để tham gia cuộc thi tạc tượng, các bức tượng cứ thế nhiều dần lên và được trưng bày khắp nơi . Tạo nên một sinh hoạt thường xuyên để bảo tồn vốn quý truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Nghệ nhân đang miệt mài đục tượng tại hội thi.

Ngày ngày họ cặm cụi, cần mẫn, ngắm nghía những rễ cây có hình thù kỳ dị, rồi dùng đục và dao nhỏ gọt đẽo một cách miệt mài. Nghe tiếng cộc cộc, cạch cạch của dao chạm gỗ và nhìn họ khom lưng trên những khúc gỗ mục, cứ tưởng họ là những tay thợ mộc chuyên nghiệp. Thật ra họ là những nghệ nhân ở các buôn làng, đang biến những rễ cây có hình thù kỳ lạ, thành những tác phẩm mỹ thuật độc đáo làm đẹp cho đời. mỗi bức tượng là một số phận, một cảm xúc được truyền tải từ tâm trạng của mỗi nghệ nhân. Cả một rừng tượng mênh mông nhưng không bức nào giống bức nào, ở đó mọi biểu cảm đều khác nhau đến kỳ lạ và luôn tạo cho du khách từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng cũng chính từ khu vườn tượng ở các bản làng đã nâng tầm thương mại của các bức tượng, giờ đây các bức tượng không chỉ để trưng bày trong rừng già mà nó đã đi vào cuộc sống, không chỉ là vật gia bảo mà nâng tầm lên thành các tác phẩm nghệ thuật, phục vụ cho quốc kế dân sinh, đem lại cuộc sống ấm no cho các buôn làng.

Chỉ cần gia công gọt giũa thêm một chút, các nghệ nhân đã có trong tay một tác phẩm hoàn mỹ đầy tâm đắc.

Con đường hình thành nên nghề độc đáo này, nghệ nhân A Gông ( huyện Kon Plong, Kon Tum ), người sáng lập ra, nguyên do từ một sự tình cờ. Những năm đầu thành lập là thời điểm khốn khó, người dân ở đây phải kiếm cái ăn từ công việc mò cua, bắt cá. Trong một lần ngụp lặn dưới dòng suối đầu nguồn , anh Biu bỗng sững sờ nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời dưới đáy sông. Cứ tưởng là những bãi đá san hô, hay những vật gia bảo của ai đó đánh rơi, lại gần nhìn kỹ thì té ra đó là những rễ cây ngoằn ngoèo ngả nghiêng, bị dòng nước suối nhấn chìm lâu ngày, dưới tác động của nước và thời gian, chúng tạo thành những bức tranh tuyệt mỹ. Tò mò, ngắm nghía hồi lâu, một ý tưởng lóe lên, anh đem chúng về nhà. Chỉ cần gia công gọt giũa thêm một chút, anh đã có trong tay một tác phẩm hoàn mỹ đầy tâm đắc. Khách vào nhà anh chơi thấy bức tượng lạ đều xuýt xoa khen ngợi tỏ ý muốn mua và họ gợi ý anh nên đem lên thành phố bán. Anh ngần ngại nhưng sau đó đem thử lên phố một chuyến. Quả nhiên anh bán được. Mừng quá, có đất dụng võ rồi, anh tiến hành tìm kiếm và khuyến khích một số người cùng làng làm theo, và rồi chẳng biết từ bao giờ, cái nghề tạo tượng ấy nghiễm nhiên ra đời. 

Nghề này tưởng đơn giản, nhưng thật ra lại lắm công phu. Mỗi bức là một tác phẩm độc đáo duy nhất, không thể có bức thứ hai. Tạc một bức tượng đòi hỏi nghệ nhân phải có óc tưởng tượng mạnh, tính sáng tạo và tư duy nghệ thuật. Các nghệ nhân lão luyện như anh A Vương, anh A Lâm, chị Y Nguyệt....... đều cho rằng, nguyên tác đơn giản là thiên nhiên và con người cùng làm. Tuy nhiên con người càng ít gia công vào hoặc gia công thật khéo, thật khó nhận thấy thì giá trị và sức thuyết phục của các bức tượng càng lớn.

Những bức tượng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên

Ban đầu, các nghệ nhân chỉ thực hiện những đề tài dân gian và tâm linh, sau đó theo gợi ý của khách hàng và một số chuyên gia mỹ thuật, đề tài của anh rộng mở trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Quan trọng nhất, theo anh Biu là cách chọn đề tài. Đề tài phải có tính gợi mở làm cho người xem tưởng tượng và thưởng ngoạn theo ý thích riêng của mình. Đặc biệt tránh sự trùng lặp, truyền thuyết hoặc sa vào cải lương. 

Không phải chỉ là thú tiêu khiển lúc nông nhàn, nghề tạc tượng từ rễ cây này đã làm giàu cho một số gia đình. Có hộ đã cất nhà lầu, mua sắm tiện nghi do “trúng mánh”, gặp khách sộp và ký được hợp đồng với số lượng nhiều. Tuy nhiên, theo anh Biu, nghề này thu nhập vẫn rất thất thường. Bên cạnh khoản thù lao cho những nghệ nhân, trên cả vẫn là niềm đam mê sáng tạo mà nếu thiếu nó tính chất và ý nghĩa sẽ không còn. Lại còn những cam go rất “ngoài nghệ thuật”. Anh Biu kể, tìm một rễ cây ưng ý không phải dễ, các anh phải vào tận rừng sâu, có lần bị lạc, tưởng đâu bỏ mạng trong rừng. Dạo này nguyên liệu ngày càng ít, nghệ nhân phải mua lại của thợ rừng, nhiều lúc phải mua cả xe giá 1 triệu đồng, nhưng chỉ được mấy gốc ưng ý. Tôi ngắm những tác phẩm , càng ngắm nhìn càng thích thú. Phải chăng nghệ thuật là ở quanh ta, đang náu mình chờ trí tưởng tượng của chúng ta cộng hưởng. Và lạ lùng thay, tài trí Việt Nam muôn đời vẫn hé lộ từ những nơi mộc mạc, chân quê…

Những bức tượng huyền bí như được thổi hồn...       

Măng Đen – Bức tranh của Đại ngàn.

Không chỉ có nét văn hóa đặc sắc, mà nơi đây còn có phong cảnh hữu tình; Nói về tiềm năng thì Măng Đen không thiếu để làm du lịch, nhất là du lịch sinh thái và cộng đồng dựa vào thiên nhiên. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Đak Ke hay thác Pa Sỹ hùng vĩ,  khung cảnh yên bình hoang sơ của làng văn hóa dân tộc KonBring… Mỗi buổi sáng thức dậy ngắm những cánh đồng, những hàng rào, một vài ngôi nhà rông ở đây, lắng nghe tiếng gà gáy, nhìn những đứa trẻ với đôi mắt hồn nhiên, vô tư đang thi nhau đến trường… tất cả vẽ nên một bức tranh đẹp giữa Măng Đen đại ngàn, để rồi nhìn vào bức tranh ấy, thì gần như bao nhiêu muộn phiền điều tan biến.

Một góc của Hồ Đak Ke

Nếu ai muốn bản thân có những trải nghiệm tuyệt vời, muốn hòa mình với thiên nhiên thì tìm về Măng Đen, mà đã đến đây nhất định phải về với làng du lịch Kon Pring. Khi màn đêm buông xuống, du khách được quây quần bên bếp lửa bập bùng, thưởng thức những điệu nhảy cồng chiêng huyền ảo, nghe nhạc rừng cùng suối hát, tàn cuộc vui ta đi vào giấc mộng trong những ngôi nhà trên cây hay ngon giấc với tiếng róc rách của suối nguồn hoặc rì rầm thác đổ, sáng dậy với rộn ràng tiếng chim ca, tản bộ vài vòng quanh làng rồi thưởng thức bữa điểm tâm cùng ly cà phê thơm nồng nàn đượm chất Tây Nguyên. Sau đó là chụp hình cỏ cây hoa lá hoặc thưởng ngoạn những bức tượng được bố trí ở một khu rừng già mênh mông trên đỉnh núi. Nơi đây sẽ là không gian tâm linh vô tận để du khách khám phá những bí ẩn được truyền tụng từ đời này qua đời khác của các dân tộc Tây Nguyên. Ở đó mọi ngóc ngách của đời sống tâm linh được thể hiện qua các bức tượng gỗ, rồi đi về các buôn làng họ dựng tượng ở khắp mọi nơi như cổng nhà rông, ở nơi thờ tự linh thiêng, tạc tượng ở các nhà mồ…

Thác Pa Sỹ là một tuyệt phẩm của thiên nhiên ban tặng. (ảnh Internet)

Mỗi buổi sáng thức dậy với cảnh bình minh ở Măng Đen, mỗi buổi chiều được ngắm hoàng hôn ở Măng Đen từ đỉnh núi hay đồng cỏ, có lẽ những trải nghiệm đẹp ở Măng Đen sẽ không thể nào ghi lại bằng mắt cho đủ, mà phải được ghi lại bằng cảm xúc. Tin tôi đi, bạn sẽ thêm Măng Đen vào địa điểm muốn đi khám phá tiếp theo  rồi đấy và làng Kon Pring sẽ là điểm check in không thể bỏ qua khi đến với Măng Đen.