27/04/2024 lúc 01:32 (GMT+7)
Breaking News

Sống "sạch" sao mà khó!

VNHN-Lâu nay đi tới đâu cũng nghe thấy người ta nói về cái sự “sạch”! Rau sạch - nước sạch - đất sạch - tiền sạch - du lịch sạch - thậm chí còn nghe đến cả… ghế sạch nữa! Lẽ thường một khái niệm được nhắc đến nhiều trong đời sống thì chỉ vì hai lí do, thứ nhất là vì nó quá nhiều, quá mạnh trở thành một yếu tố chủ đạo trong đời sống; thứ hai bởi vì nó quá yếu, quá ít, khiến khái niệm đối lập với nó trở thành một yếu tố lấn át trong xã hội.

VNHN-Lâu nay đi tới đâu cũng nghe thấy người ta nói về cái sự “sạch”! Rau sạch - nước sạch - đất sạch - tiền sạch - du lịch sạch - thậm chí còn nghe đến cả… ghế sạch nữa! Lẽ thường một khái niệm được nhắc đến nhiều trong đời sống thì chỉ vì hai lí do, thứ nhất là vì nó quá nhiều, quá mạnh trở thành một yếu tố chủ đạo trong đời sống; thứ hai bởi vì nó quá yếu, quá ít, khiến khái niệm đối lập với nó trở thành một yếu tố lấn át trong xã hội. Ở trường hợp của khái niệm “sạch” mà chúng ta đang bàn đến, chắc chắn là rơi vào lí do thứ hai - Cái đối lập với nó, là cái sự bẩn, quá mạnh, hoặc đang mạnh lên, có xu hướng lấn át cái sạch mà chúng ta luôn mong muốn trở thành yếu tố chủ đạo trong đời sống hằng ngày.

Ảnh minh họa - Internet

Mơ ước có một cuộc sống “sạch” ngày càng trở nên xa vời hơn, nhất là đối với cư dân các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Không khí thì nhiễm bụi bẩn, khói xe. Các nguồn sinh thủy đều bị đầu độc bị san lấp, lấn chiếm. Các loại thực phẩm đều tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại. Rồi tiếng ồn, rồi rác quảng cáo bôi bẩn khắp nơi từ tường nhà đến đường phố. Rồi lại còn… rác ngôn ngữ nữa! Chưa ai thử tỉ mẩn nghiên cứu xem mức độ “nhiễm bẩn” trong ngôn ngữ đường phố ở nước ta hiện nay đã đến mức nào?

Một dạo cư dân thành phố bỗng xôn xao vì thấy xuất hiện khắp nơi những “cửa hàng rau sạch!”. Những cửa hàng đó ra đời nghĩa là ngầm nói với thiên hạ rằng “Ngoài cửa hàng chúng tôi ra, các loại rau trong thiên hạ đều là rau… bẩn! Hoặc chí ít cũng là rau không sạch!”. Tôi chưa thấy sự tự phụ nào lại ngang nhiên xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật như vậy? Thực chất thì đa số những thứ rau bày bán trong những cửa hàng đó vẫn chỉ là… rau mà thôi. Nghĩa là nó chẳng có gì bảo đảm là sạch hơn những thứ chúng ta ăn hằng ngày. Chẳng qua họ kinh doanh trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng mà thôi. Nhưng cũng mừng là ít lâu sau, trong các siêu thị, hay ngay trên những khu chợ lớn của Thủ đô Hà Nội và một vài thành phố khác cũng đã thực sự xuất hiện những người sản xuất và kinh doanh rau sạch. Nhưng lần này họ đã thận trọng hơn nên chỉ dám ghi trên bảng hiệu và trên nhãn hàng hóa là “Rau an toàn”. Mấy chữ đến là hay, không cam kết rằng sạch, nhưng có thể cam kết là an toàn. Thôi, thế cũng đã là may mắn cho người tiêu dùng thành phố rồi!

Nhưng không chỉ ở các thành phố, các khu công nghiệp mới phải đương đầu với sự xuống cấp của môi trường sống, hay nói nôm na là sự lấn át của “cái bẩn”. Chốn làng quê bao đời thanh sạch của chúng ta cũng đang bị nhiễm bẩn với mức độ ngày càng trầm trọng. Các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, phân hóa học được dùng một cách bừa bãi trong nhiều năm khiến trên những cánh đồng hôm nay đến con đỉa cũng trở nên hiếm gặp, nói gì đến tôm cua, ếch nhái, cào cào, châu chấu! Trên cánh đồng chỗ nào cũng thấy chai lọ, vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc tăng phọt (người dân gọi thứ thuốc tăng trưởng như thế)! Làng nào hiện nay cũng đứng trước vấn đề nan giải khi phải đương đầu với những núi rác thải, nhất là túi nilon các loại ngày một chất cao mà chưa biết phải giải quyết thế nào? Ấy là chưa nói đến các làng nghề? Có thể nói không ngoa rằng, tất cả các làng nghề ở vùng đồng bằng Bắc bộ đều đứng trước vấn nạn bị ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng. Có địa phương đã nghĩ ra cách xây dựng những khu sản xuất thủ công tập trung ở ngoài làng. Nhưng, cũng chỉ là cách kéo sự ô nhiễm ở trong làng ra ngoài cánh đồng làng mà thôi. Có lần, tôi theo một đoàn nhà báo về tham quan một “mô hình khu công nghiệp làng” ở Bắc Ninh, một vị lãnh đạo cấp Bộ đi cùng các nhà báo, chỉ những dãy ống khói san sát trong “khu công nghiệp làng” mà cảm khái thốt lên: “Các nhà báo thấy chưa! Mô hình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn là đây chứ còn tìm ở đâu nữa?”. Nhưng hỡi ôi, chỉ mấy năm sau, nơi ấy đã trở thành một bãi rác, một “mô hình điểm” về ô nhiễm môi trường mà đến tận ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.

Hà Nội đã rất dũng cảm khi đề ra mục tiêu xây dựng Thủ đô thành một thành phố xanh - sạch - đẹp. Nói dũng cảm là vì chỉ đạt một trong ba mục tiêu là được sống trong môi trường sạch thôi thì người Thủ đô cũng đã là những cư dân hạnh phúc nhất rồi. Tôi cứ ước, trong những mục tiêu kinh tế xã hội mà Nhà nước ta sẽ nêu ra hàng năm, có những chỉ tiêu thật rõ ràng, những phương hướng hành động thật cụ thể, để mười hay hai mươi năm sau dân ta được sống trong những ngôi làng sạch, những thành phố sạch, được ăn rau sạch, uống nước sạch, ra đường không phải bịt khẩu trang để tránh bụi, về nhà không phải… rửa tai vì trót nghe những lời tục tĩu bậy bạ…!

Được sống trong môi tường sạch chắc chắn không phải là một đòi hỏi quá cao siêu mà chúng ta không thể với tới. Cha ông chúng ta đã từng được sống trong một môi trường thiên nhiên trong trẻo như vậy. Lẽ nào… với tất cả các sức mạnh của nền văn minh thế kỷ 21… chúng ta lại không thể với tới được ngày xưa?