08/05/2024 lúc 08:49 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ngãi: Sớm hồi sinh cảng cá Sa Huỳnh?

VNHN - Từ một cảng cá kề bên cửa biển, tàu ghe tấp nập vào ra, thoắt chốc chỉ còn là nơi neo đậu ít tàu thuyền gỗ, ngư dân phiêu linh khắp nơi, hiện trạng cảng cá Sa Huỳnh là bài học đáng suy ngẫm về công tác bảo vệ môi trường, quy hoạch kinh tế thiếu tầm nhìn ở miền Trung. Để đến nay, địa phương phải một lần nữa, loay hoay tìm hướng gỡ.

VNHN - Từ một cảng cá kề bên cửa biển, tàu ghe tấp nập vào ra, thoắt chốc chỉ còn là nơi neo đậu ít tàu thuyền gỗ, ngư dân phiêu linh khắp nơi, hiện trạng cảng cá Sa Huỳnh là bài học đáng suy ngẫm về công tác bảo vệ môi trường, quy hoạch kinh tế thiếu tầm nhìn ở miền Trung. Để đến nay, địa phương phải một lần nữa, loay hoay tìm hướng gỡ.

Một động thái mong triển khai được ở Sa Huỳnh, là sớm đưa dự án nạo vét luồng lạch ra cửa biển Sa Huỳnh vào hoạt động, xử lý dứt điểm tình trạng bồi lấp ở đây, mở lại lối ra khơi cho hàng trăm tàu cá ngư dân.

Cảng cá Sa Huỳnh chờ đợi thông lại lạch luồng.

Kè sai, luồng tắc, cảng tiêu vong

Phần lớn ngư dân được hỏi chuyện, ở 4 thôn Thạch By 1 và 2, Thạnh Đức 1 và 2 (nay đều đã lên khối phố phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), đều cho rằng, tình trạng bồi lấp cửa biển Sa Huỳnh, làm tắc nghẽn luồng lạch chạy tàu vào khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Sa Huỳnh, là liên quan đến kè biển Sa Huỳnh. Người dân không rõ sự khảo sát của các đơn vị khoa học thế nào, để dẫn đến quyết định đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng từ khi có hệ thống bờ kè biển này, cửa Sa Huỳnh đã bị bồi lấp ngày càng nặng, gần đây thêm tình trạng sạt lở nhiều vị trí tại Thạch By 1 và 2.

Ông Ngô Văn Liễu, người dân khu tái định cư làng cá Sa Huỳnh phường Phổ Thạnh khẳng định, 20 năm trước, Sa Huỳnh là cảng biển tấp nập, tàu thuyền ngược xuôi không ngớt. Hải sản, muối biển ở đây đều được tiêu thụ tốt, cung ứng nhiều nơi. Nhưng sau năm 2000, khi kè chắn sóng Sa Huỳnh được đầu tư, vùng biển này dần bị biến đổi, mức độ bồi lấp gia tăng.

Có thể do dòng nước cửa biển bị chính bờ kè cản trở, nên cuốn cát bù lấp vào phía trong. Luồng biển Sa Huỳnh dần cạn, cho đến nay, với chiều dài 1,8 km, có nhiều đoạn bị bồi cao, khu vực chính dài hơn 870 mét chỉ còn mớn nước chưa đến 1,45 mét khi triều lên. Tàu thuyền vì thế không thuận tiện vào ra, việc neo đậu cũng khó khăn lúc thủy triều xuống. Các thuyền đánh bắt xa bờ phải giong vào Cà Ty, Bình Thuận, Phú Yên, hay ngược ra Đà Nẵng để bán, khi thuyền nhẹ rồi mới vào được cửa Sa Huỳnh.

Kè chắn sóng Sa Huỳnh và luồng lạch vào cảng cá bị bồi lấp nặng nề.

Ngư dân Sa Huỳnh vì thế phân tán, dạt đi nhiều vùng biển khác kiếm sống. Khu vực Sa Huỳnh chỉ còn vài chục thuyền vỏ gỗ cũ kỹ, ngư dân không có khả năng hoán cải, hoạt động bấp bênh, thiếu thốn mọi bề.

Hàng năm, bên Nông nghiệp tỉnh cũng có cấp chi phí cho ban quản lý các cảng địa phương hỗ trợ nạo vét, nhưng không đủ sức thay đổi tình hình. Nếu thật sự có dự án lớn, nạo vét nghiêm túc luồng lạch ở đây, và xa hơn là chính quyền xem lại dự án thiết kế kè biển, để cửa Sa Huỳnh không bị bồi lấp nữa, thì may ra ngư dân ở đây mới có đường phục hồi làm ăn, cảng cá mới trở lại như xưa”. Ông Liễu ngậm ngùi nói.

Bao giờ cảng cá hồi sinh?

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, vấn nạn tắc nghẽn luồng lạch vào cảng cá Sa Huỳnh đã được địa phương đặt ra từ nhiều năm trước, luôn kêu gọi tìm kiếm các nhà đầu tư hợp tác xử lý. Mới đây, công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Đầu tư và Xây dựng Quảng Ngãi đã thám sát địa hình, lập phương án thiết kế, tổ chức nạo vét lại luồng lạch này, với kinh phí dự ước hơn 10 tỷ đồng. Tiếp đó, công ty cổ phần Phát triển đô thị Ân Phú, đơn vị được thị xã giao 11 hecta đất đồng muối Phổ Thành làm khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị, cũng được vận động nhận triển khai dự án nạo vét cửa biển.

Ông Võ Minh Vương: Chúng tôi mong cảng cá Sa Huỳnh sớm trở lại như trước.

Vấn đề quan tâm ở dự án này, là phải nạo vét nghiêm túc, đúng kỹ thuật để thông luồng tuyến, tránh tái bồi lấp và tránh sạt lở ven bờ sau bồi lấp. Việc sử dụng cát nạo vét cũng phải tính, tránh gây tổn hại môi trường khi dùng san lấp những nơi không phù hợp. Ở đây, doanh nghiệp có nhu cầu san ủi, củng cố hạ tầng nền đất phía trong đầm Sa Huỳnh thành khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường mà lại tiện chuyên chở cát sau nạo vét. Về sau này, việc nghiên cứu tiếp công tác quy hoạch, củng cố lại bờ kè chắn sóng Sa Huỳnh, bảo vệ cửa biển chống tái bồi lấp cũng phải được hợp tác đặt ra”. Ông Vương phân tích như vậy.

Ông Cao Văn Khánh, Trưởng ban quản lý dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh cho biết, trên tinh thần đó, công ty cổ phần Ân Phú đến nay đã tập trung nhân lực thiết bị, để sẵn sàng tiếp nhận dự án nạo vét luồng lạch cửa biển Sa Huỳnh. Số liệu thiết kế từ đơn vị tư vấn cho thấy, việc nạo vét sẽ thực hiện trên toàn luồng, tập trung ở đoạn bồi lấp nặng dài hơn 870 mét, rộng 30 mét, yêu cầu nạo sâu hơn 3,5 mét, với khối lượng đề xuất trên 11.200 m3 cát. Qua đó, cảng cá Sa Huỳnh sẽ lại được khơi thông, tàu thuyền đi lại dễ dàng. “Thời gian cam kết hoàn thành của chúng tôi là 6 tháng kể từ khi được các cơ quan chức năng thẩm định giám sát xong dự án và chấp thuận các tiêu chí kỹ thuật thi công”. Ông Khánh nhấn mạnh.

Vậy là sau gần 20 năm đối mặt câu chuyện buồn về cửa biển bị bồi lấp, ngư dân Sa Huỳnh lại có cơ hội phục dựng cảng cá xưa, tái phục kinh tế biển nơi đây, hoán chuyển lại bức tranh đời sống của mình. Ông Ngô Văn Liễu vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi đang mong chờ đây”. Gương mặt của người dân biển sạm nâu cùng gió cát bao năm, phải chăng sáng rỡ dần từng ngày?