26/04/2024 lúc 14:05 (GMT+7)
Breaking News

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định 205–QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và chống 'chạy chức, chạy quyền' của Bộ Chính trị

VNHN - Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm sau. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng là công tác nhân sự của Đại hội. Phải lựa chọn được những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” vào Ban Chấp hành các cấp, để vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo và nâng cao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

VNHN - Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm sau. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng là công tác nhân sự của Đại hội. Phải lựa chọn được những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” vào Ban Chấp hành các cấp, để vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo và nâng cao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Vấn đề kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (07/5/2018)

Với tinh thần đó, vấn đề “kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền” được Trung ương đặt ra với quyết tâm rất cao, nhằm khắc phục những hạn chế về vấn đề này thời gian qua, đảm bảo xây dựng bộ máy trong sạch và nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, chế độ được trường tồn, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao, một trong những vấn đề phải được coi trọng và thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đó là công tác phòng chống tham nhũng nói chung và chống chạy chức chạy quyền nói riêng. Quy định số 205-QĐ/TW về việc Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019, gồm 4 chương lớn với 15 điều, chính là sự thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta trong việc xây dựng một bộ máy công quyền trong sạch và vì dân; đồng thời đây cũng là một công cụ quan trọng và hữu hiệu để thực hiện một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bậc nhất về công tác tổ chức liên quan tới con người. Quy định số 205-QĐ/TW cũng nhằm khắc phục những hạn chế trong vấn đề kiểm soát quyền lực, như  Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”; “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái”.  

Thực ra, không phải đến lúc này Đảng mới đưa ra quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Nhận rõ "chạy chức, chạy quyền" có thể dẫn đến tha hóa quyền lực trong mỗi cá nhân và xa hơn là sự tha hóa đối với cả tổ chức Đảng và hệ thống chính trị, nên từ các kỳ Đại hội trước, Đảng ta đã nghiêm khắc với vấn đề này và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh; nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII, việc xử lý và ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm người nhà, người thân càng được tiến hành quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thực tế vẫn còn hạn chế; vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn diễn ra âm thầm, phức tạp, tinh vi. Những kẻ hám quyền sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, sẵn sàng làm những việc trái luân thường đạo lý và lương tâm dù phải đánh đổi bằng nhân cách, uy tín. Vậy “Ai chạy? Chạy ai?”, đó là câu hỏi không dễ trả lời. Việc “chạy” thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Cho nên, việc phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” gặp rất nhiều khó khăn, rào cản và thật khó để có thể giải quyết ngay được. Nhưng không thể không kiên quyết làm, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà sự tha hóa có thể để lại những hậu quả khôn lường…

Trong điều kiện của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tình trạng chạy chức, chạy quyền ngày càng tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn khác nhau, biểu hiện ngày càng phức tạp, khó nhận biết. Cho nên chống chạy chức, chạy quyền nhiều khi là cuộc đấu tranh cam go, mà để thành công đòi hỏi sự vận hành đồng bộ nhiều yếu tố. Trong đó, bên cạnh phẩm chất và tính nêu gương cần phải có của người đứng đầu một cơ quan, tổ chức (nhất là người làm công tác tổ chức cán bộ), thì việc hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan là yếu tố có tính then chốt. Nhìn từ góc độ này, Quy định 205-QĐ/TW của Trung ương có 5 điểm mới và nổi bật, đó là: Người trong gia đình không cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan; Nghiêm cấm việc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên; Xử lý vi phạm cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; Xác định cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền…

Để giám sát có hiệu quả công tác cán bộ, Quy định 205 đã yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý; giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Nói về vấn đề này, ngày 15/5/2019, tại Hội nghị Bộ Chính trị chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 10 khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng.

Đồng chí Phạm Minh Chính – UVBCT, Bí thư Trưng ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định 205 của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền (02/12/2019)

Một thực tế lâu nay vẫn tồn tại là, Chủ trương, Chính sách của Đảng thì đúng, nhưng vì sao khi thực hiện, kết quả và hiệu quả chưa cao, chậm được thay đổi ? Một trong những nguyên nhân là việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, vấn đề đặt ra với Quy định 205 của Đảng cũng là phải làm sao cụ thể hóa được các hành vi, biểu hiện chạy chức, chạy quyền đưa ngay vào những quy định của Luật để khi đối chiếu với thực tế là có thể nhận diện được đúng hành vi đó; đồng thời với việc quy định các chế tài xử lý cụ thể, tương ứng với các hành vi mắc phải. Nghĩa là phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ. Tinh thần của các cơ chế và quy định cần đáp ứng được yêu cầu cơ bản là làm cho cán bộ “không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy”… Đây lại là công việc của các nhà xây dựng cơ chế, chính sách, các nhà làm luật – không những cần có năng lực, trình độ, mà còn phải có trách nhiệm cao và quán triệt sâu sắc chủ trương, quy định của Đảng về vấn đề này.

Đi đôi với đó, việc công khai, minh bạch các tiêu chí, tiêu chuẩn chọn cán bộ ở tất cả các cấp là rất cần thiết để không chỉ làm cơ sở  cho các cơ quan tổ chức chọn lựa và bổ nhiệm cán bộ phù hợp, đúng tiêu chuẩn; mà còn giúp quần chúng nhân dân giám sát việc lựa chọn đó. Một khi tính dân chủ, công khai, minh bạch của xã hội được đề cao, tất cả các hành vi, ứng xử của con người trong xã hội đều được điều chỉnh chặt chẽ trong các đạo luật thì sẽ hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền; bởi khi đó những điều kiện cho việc chạy chức, chạy quyền sẽ không còn.

Việc lựa chọn cán bộ vào những vị trí quan trọng thông qua hình thức thi tuyển là một cách làm tốt, nhất là trong thời đại mà khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ ngày nay (tiếc là ở ta còn thực hiện rất ít hình thức này). Tuy nhiên, để có thể phát huy được hiệu quả của cách làm này, lại đòi hỏi sự công khai, minh bạch và công bằng trong việc tổ chức thi. Nên chăng, đối với một số cương vị thể áp dụng việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo gần giống như các cuộc thi trên truyền hình – vừa tạo cơ hội cho người có năng lực được thể hiện, vừa giúp cho việc chọn được cán bộ có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu, vừa để người dân có thể giám sát, thậm chí là đánh giá về năng lực của các “thí sinh” và sự đúng, sai về kết quả thi…?

Thiết nghĩ, không quá khó để có thể xây dựng những cơ chế, những quy định cụ thể và tổ chức cách làm minh bạch và mang tính khoa học cao như vậy trong việc tuyển chọn và bố trí cán bộ. Nhưng quan trọng là các cơ quan tham mưu  về công tác tổ chức cán bộ, các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các cơ chế giám sát quyền lực cụ thể… phải thực sự làm hết trách nhiệm và năng lực của mình đúng với tinh thần các Nghị quyết, các Quyết định của Đảng và gắn được những quy định, cơ chế đó với trách nhiệm của người trực tiếp tổ chức thực hiện một cách nghiêm minh. Chỉ có làm được như vậy, việc chống chạy chức, chạy quyền mới mong có được kết quả tốt.