27/04/2024 lúc 06:57 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý chặt điều kiện đưa người đi lao động nước ngoài

VNHN - Những năm gần đây, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài không ngừng phát triển khi Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại không ít bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành chức năngđể siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh những vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

VNHN - Những năm gần đây, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài không ngừng phát triển khi Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại không ít bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành chức năngđể siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh những vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ảnh minh họa

Nhiều lỗ hổng

Theo thống kê của ngành lao động, hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm trung bình có trên 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2019, tính đến hết tháng 11, đã có 132.802 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra là đưa 120.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Như vậy, có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Trong đó, nổi lên nhất là thực trạng có nhiều doanh nghiệp thực hiện trái phép thông qua hình thức du học, visa du lịch, môi giới.

Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Vỹ cho biết, hiện trong số 397 doanh nghiệp của cả nước được cấp phép đưa lao động đi nước ngoài làm việc thì Hà Nội có 246 đơn vị. Tuy nhiên, thực tế số doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng đi làm việc tại nước ngoài thông qua phát tờ rơi, đăng trên internet... có đến hàng nghìn đơn vị. Vì vậy, có nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” hoặc đi trót lọt thì phải gánh chịu nhiều hệ quả như bị phạt tiền, trục xuất, thậm chí thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người…

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cũng cho thấy tình trạng tương tự. Theo đó, qua công tác kiểm tra Sở đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động; giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động; tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đáng chú ý, nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoại tỉnh, mặc dù chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp phép hoạt động nhưng vẫn treo biển quảng cáo; tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân đã lợi dụng chủ trương về đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc để tư vấn, giới thiệu, lừa thu tiền của người lao động.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020 sẽ tổng kết toàn bộ chiến lược xuất khẩu lao động và sửa đổi Luật Đưa Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trước mắt, các chương trình đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ phải triển khai đồng bộ và thực hiện tốt công tác đào tạo, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho người lao động.

Đủ điều kiện mới cấp phép

Thực tế trên không chỉ có ở Hà Nội, Hà Tĩnh mà tình trạng này đã xuất hiện ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Trước thực tế trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã liên tục khuyến cáo, đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài bằng visa du lịch, du học rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Đồng thời, đề nghị các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường thanh kiểm tra, rà soát, phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng nhưng lại môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài trái phép để chuyển đến cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do mức xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều doanh nghiệp bất chấp vi phạm.

Theo thống kê của Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng gần 400 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động. Đối với doanh nghiệp, ngoài việc môi giới, đưa người lao động ra nước ngoài thì còn phải có trách nhiệm quản lý, thậm chí tham gia xử lý nếu có vụ việc sai phạm xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế số doanh nghiệp tham gia vào đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn hơn nhiều so với con số được cấp phép.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Gia Liêm cho biết, hiện nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiến hành xây dựng và xin ý kiến dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Theo đó, tại dự thảo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỷ đồng, đồng thời có đủ các điều kiện khác như thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại; người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên, đã làm việc ít nhất 5 năm trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 10 năm trước khi đề nghị cấp giấy phép... thì được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đủ các điều kiện khác như có nhân viên chuyên trách và tổ chức bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; có cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.