09/05/2024 lúc 02:57 (GMT+7)
Breaking News

Nông sản Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường quốc tế

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành hàng, nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản vẫn đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng đã “xâm nhập” sâu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam đã được định danh trên nhiều thị trường quốc tế lớn.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành hàng, nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản vẫn đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng đã “xâm nhập” sâu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam đã được định danh trên nhiều thị trường quốc tế lớn.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm, thủy sản ghi nhận tăng trưởng ở nhiều ngành hàng như thủy sản, rau quả, gạo, chè do đã “xâm nhập” được vào các thị trường lớn. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: ước tính xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

 

   Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các nước quốc tế.

Trong đó rau, quả xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, năm 2021 sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều xuất khẩu sang bang Nam Australia và Tây Australia; vải thiều Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường Nhật Bản, Mỹ… Tổng Giám đốc Pacific Foods Chung Trí Phong cho biết, công ty vừa xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sẽ vào Cộng hoà Séc và sẽ xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu chào bán (phiên ngày 1-6-2021) đối với gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 100 USD/tấn (gạo Việt Nam 492 USD/tấn, gạo Ấn Độ 392 USD/tấn). Lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% nhưng do giá tăng cao (11,9%) nên mặt hàng này vẫn đạt 1,49 tỷ USD.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng ghi nhận, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là xuất khẩu chế biến còn thấp, việc xây dựng thương hiệu, tạo lập khối thị trường bền vững chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Trần Thanh Nam thông tin, để tháo gỡ vướng mắc về chế biến, cùng với việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất, Chính phủ đã phê duyệt các đề án về chế biến ngành hàng nông sản như rau, quả, gạo, thủy sản… gắn với hình thành vùng nguyên liệu lớn. 

Là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang nhiều thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam cho biết, những năm gần đây, tập đoàn xây dựng nhiều nhà máy chế biến nông sản với công suất lớn như: Nhà máy chế biến cà phê hòa tan, được xây dựng với công nghệ tiên tiến của thế giới - giá trị đầu tư 30 triệu USD, công suất 550kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn/năm. Việc đầu tư vào chế biến sẽ giúp tập đoàn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị chuyên sâu cho sản phẩm cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời hướng tới xuất khẩu bền vững.

Cùng với việc yêu cầu Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch Covid-19, đề xuất biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ việc phát triển, xây dựng thương hiệu nông sản, cung cấp thông tin về yêu cầu chất lượng, quy cách đóng gói xuất khẩu sang các thị trường lớn. 

Với những giải pháp cụ thể từ sản xuất đến thị trường, nông sản sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế và là ngành hàng tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.