20/04/2024 lúc 01:46 (GMT+7)
Breaking News

Những vấn đề lý luận về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

VNHN - Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết, tuy nhiên, thời gian qua, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chính thống về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập và vẫn còn có những quan điểm khác nhau.

VNHN - Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết, tuy nhiên, thời gian qua, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chính thống về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập và vẫn còn có những quan điểm khác nhau.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ nhất [1] cho rằng, doanh nghiệp phải tự thân thực hiện pháp luật, Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp trong việc áp dụng và triển khai các quy định pháp luật của doanh nghiệp và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, có thể gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Quan điểm thứ hai [2] cho rằng, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo là một loại dịch vụ công, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, bản thân nếu không có các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ đó; việc tập trung hỗ trợ pháp lý cho đối tượng chủ yếu là DNNVV là đúng với các nguyên tắc, bình đẳng và không vi phạm các cam kết quốc tế, thực tế nhiều nước kể cả các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu cũng coi trách nhiệm thông tin pháp luật, giải đáp pháp luật là nhiệm vụ của Nhà nước đối với doanh nghiệp; việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ pháp lý mà ngược lại, việc hỗ trợ pháp lý là biện pháp thúc đẩy và xúc tiến thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam sôi động, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng pháp luật của doanh nghiệp.

Quan điểm thứ ba [3] cho rằng, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, trong đó, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải là tổ chức nòng cốt và chủ yếu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên của mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước đối với công tác này. 

Mỗi loại quan điểm nêu trên đều có những cơ sở khoa học riêng, tuy nhiên, theo tác giả, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là cho DNNVV, DNNVV khởi nghiệp, sáng tạo trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới vẫn cần phải được nghiên cứu và ưu tiên thực hiện xuất phát từ nội tại của điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên thực tế, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế thực hiện các hình thức, nội dung và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014; Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự cán của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 12/10/2010 hướng dẫn lập, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi bộ, ngành và địa phương như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi... Đặc biệt, ngày 12/6/2017, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ ba ngày 12/6/2017 đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong đó, tại Điều 14 đã quy định về chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa[4]. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 55/2019/NĐ-CP) nhằm thực hiện khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp  như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó, Chính phủ quyết liệt đổi mới môi trường kinh doanh và đưa ra những đích đến rất cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam như xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có 01 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó, có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 28/4/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Với những chính sách trên cùng với sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý nêu trên đã thể hiện nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV, đánh dấu bước chuyển về chất và lượng, đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn đất nước.

Trên cơ sở Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các đề tài nghiên cứu trong thời gian qua ở Việt Nam, có thể thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV ở nước ta có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Nhà nước

Cũng như các nhiệm vụ khác của Nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP), DNNVV khởi nghiệp, sáng tạo (Điều 1 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017) thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội, đối với DNNVV, DNNVV khởi nghiệp, sáng tạo. Chủ thể thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ được quy định trong các luật và nghị định liên quan như: Luật Doanh nghiệp (Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp), các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, quy định các tổ chức chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các đơn vị giúp các cơ quan nhà nước là “cầu nối” để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, các hiệp hội, Câu lạc bộ của doanh nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật từ trung ương đến các địa phương.

Thứ hai, đối tượng thụ hưởng công tác hỗ trợ pháp lý là các DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức

Đối tượng được hỗ trợ pháp lý theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP là DNNVV, tuy nhiên, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP cũng quy định điều khoản mở đó là, tùy thuộc vào nguồn lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để hỗ trợ pháp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải là DNNVV (Điều 19).

Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (Điều 2 và Điều 14), Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (Điều 2), việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với DNNVV, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo; thực hiện mạng lưới tư vấn pháp luật theo yêu cầu của DNNVV tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa[5].

Thứ ba, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, được thực hiện theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn

Nội dung hỗ trợ pháp lý tập trung vào lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến những vướng mắc pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quá trình điều hành quản lý của doanh nghiệp, từ đó có sức lan tỏa tới những người quản lý, chủ sở hữu, cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp, hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, ý thức pháp luật trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, để đảm bảo hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải xác định theo nhu cầu của từng loại hình doanh nghiệp, theo từng thời kỳ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn, từng địa phương.

Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp được thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý và không phải trả phí theo quy định, Nhà nước sẽ chi các khoản kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và huy động sự tham gia, đóng góp của các cơ quan, tổ chức.   

Thứ tư, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp

Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết vì hoạt động của doanh nghiệp là rất đa dạng, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương và chức năng đại diện của nhiều hiệp hội doanh nghiệp. Mỗi cơ quan quản lý nhà nước cũng như mỗi tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đều có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như chức năng đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp là hoàn toàn độc lập với nhau. Do vậy, để đạt được sự thống nhất trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cùng hướng đến một mục tiêu chung, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan cần phải phối hợp với nhau, tránh chồng chéo và trùng lắp về thẩm quyền.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các DNNVV (chiếm 97,7% tổng số doanh nghiệp Việt Nam), DNNVV khởi nghiệp, sáng tạo được đặt ra như một tất yếu khách quan. Điều đó không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính bảo vệ thành quả kinh doanh của DNNVV, DNNVV khởi nghiệp, sáng tạo, hạn chế, đẩy lùi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh vươn tầm thế giới.

ThS. Nguyễn Nhật Tuấn, Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An

[1]. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo ngày 09/8/2007 do Bộ Tư pháp tổ chức, tại Hà Nội.
[2]. Trương Thanh Đức (2010), Doanh nghiệp mong gì từ hỗ trợ pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
PGS.TS. Dương Đăng Huệ (02/2012), Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2013 và định hướng hoạt động năm 2014, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
[3]. Luật gia Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam tại Hội thảo ngày 09/8/2007 do Bộ Tư pháp tổ chức, tại Hà Nội.
[4]. Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định như sau: “…2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là mạng lưới tư vấn viên). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. 3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
[5]. Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.