27/04/2024 lúc 06:09 (GMT+7)
Breaking News

Những người giữ "hơi thở" cho tranh Đông Hồ

VNHN – Nếu như nói dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xem tranh đông hồ như hơi thở, nhịp sống của họ. Thì những người làm ra tranh Đông Hồ được ví như là những người giữ lấy từng hơi thở, nhịp sống cho người dân làng Đông Hồ.

VNHN – Nếu như nói dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xem tranh đông hồ như hơi thở, nhịp sống của họ. Thì những người làm ra tranh Đông Hồ được ví như là những người giữ lấy từng hơi thở, nhịp sống cho người dân làng Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh khắc gỗ nổi tiếng của Việt Nam. Trong các dòng tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam thì tranh Đông Hồ ( xuất sinh từ làng Đông Hồ Bắc Ninh) là được nhắc đến nhiều hơn cả. Đó là một vùng quê trù mật của văn hóa truyền thống. Thời thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là vào thế kỷ XVII, XVIII.

Người ta còn gọi nó bằng cái tên nôm na, đó là tranh Tết, bởi nó được sản xuất và bán vào dịp Tết Âm lịch cho khắp nơi ở chợ quê. Vào những ngày Tết, trên từng vách nứa nhà tranh đơn bạc, màu sắc của tranh tưng bừng như tiếng pháo, niềm vui và mơ ước đầu năm.

Biết đến tranh Đông Hồ mà không biết đến người làm ra nó thì cũng coi như là chưa biết đến tranh Đông Hồ.

                                 

                                                           Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ( ảnh sưu tầm )
Tìm về làng Mái, hỏi về lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam thì không ai không biết. Ông Sam là nười có công lớn trong việc vực dậy nghề làm tranh Đông Hồ tại Bắc Ninh ngày nay. Năm 1967, khi được địa phương giao trọng trách khôi phục dòng tranh dân gian truyền thống Đông Hồ, ông đã đứng ra tập hợp được 50 người làng có tay nghề, thu gom hàng trăm bản khắc gỗ in tranh để thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ. Nhờ đó mà những bức tranh dân gian nổi tiếng của Đông Hồ được hồi sinh.

Đến năm 1990, tình hình kinh tế thay đổi, tranh khó tiêu thụ, Hợp tác xã tranh Đông Hồ giải thể. Nhiều nhà làm tranh bỏ ván khắc. Xót xa trước thời cuộc, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đến từng nhà thu gom mua lại những bản khắc này. Bởi theo ông, bản khắc in tranh vô cùng quan trọng, nó chính là linh hồn của nghề làm tranh dân gian truyền thống Đông Hồ. Ngoài 600 bản khắc được sưu tầm, ông còn sáng tạo những bản khắc mới.

Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, lão nghệ nhân đã mất vào năm 2016. Khi còn sống ông luôn coi trọng việc truyền dạy nghề cho các thế hệ mai sau. Vì vậy mà dưới sự dẫn dắt của ông, hai người con trai cũng quyết chí nối nghiệp cha làm tranh.

Đặc biệt ông đã dìu dắt, đào tạo truyền nghề cho người con dâu trưởng là bà Nguyễn Thị Oanh và người con trai thứ Nguyễn Hữu Quả trở thành những người gắn bó với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và cả hai hiện là chủ cơ sở sưu tầm và sản xuất tranh tại làng Đông Hồ. ông hướng dẫn việc đục ván cho người con trai thứ Nguyễn Hữu Quả và định hướng cho 2 cháu nội là Nguyễn Hữu Tảo và Nguyễn Hữu Đạo dành nhiều thời gian cho việc học khắc ván.

                                     

                                                                        Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (ảnh sưu tầm )
Bà Nguyễn Thị Oanh toàn quyền điều hành cơ sở sản xuất tranh dân gian,bà vừa điều hành chỉ đạo và tổ chức duy trì các hoạt động sưu tầm và sản xuất tranh dân gian, vừa sáng tác một số tranh theo đề tài mới như: tranh chùa Dâu, tranh chùa Bút Tháp, tranh phật A di đà...

Bà tích cực tham gia một số hoạt động lớn của quốc gia và quốc tế như: tham Gia trưng bày sản phẩm tiêu biểu và trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Bảo tàng dân tộc học phục vụ các đại biểu dự hội nghị APEC năm 2006, tham dự triển lãm Quốc tế Các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN năm 2013...để đưa nghề làm tranh Đông Hồ ra với thế giới.

Ý tưởng đưa tranh Đông Hồ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam của bà Oanh, nhận được nhiều lời khen, bằng khen của nhà nước như :“ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL”, “Bằng khen của chủ tịch UBMT Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh”, “Bằng khen của chủ tịch UBNN tỉnh Quảng Nam”, “ Bằng khen của chủ tịch tỉnh Bắc Ninh”...

Sự nỗ lực cố gắng của nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cùng các con cháu là mong muốn của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam, là sự tiếp nối của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, là thành quả, là công sức truyền dạy nghề cho thê hệ mai sau của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Cùng mong muốn vực dậy nghề làm tranh như cố nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế. Nghỉ hưu sau khi dạy ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội hơn 30 năm, năm 1990, ông Nguyễn Đăng Chế về sống cùng con cháu tại làng Hồ. Ba mươi năm xa quê cũng là quãng thời gian dài để làng Hồ có nhiều thay đổi.

                              

                                                                Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ( ảnh sưu tầm )

Ông Chế bảo rằng mình vẽ tranh khi mới 7 tuổi. Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ những năm bom đạn chiến tranh ông vẫn cầm bút cọ để vẽ. Và vẫn còn những bức tranh của ông, ghi dấu ấn với cột mốc ấy.

Đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đầu năm 1991, ông đã quyết định dốc hết số tiền dành dụm được trong quãng đời dạy học để vực dậy lại dòng tranh cổ. Những bản khắc gỗ, thứ được coi là kỷ niệm, thậm chí là đồ đổ bỏ của người dân trong làng thì ông đi tìm mua lại.

Ông còn bỏ bao công sức, thời gian để sưu tầm, tìm kiếm được hơn 100 bản khắc cổ với tuổi thọ hàng trăm năm, hàng ngàn bản khắc mới và gần 200 mẫu tranh các loại, trong đó quý nhất là bộ tranh Thạch Sanh có từ vài trăm năm trước.

Ở thời điểm tranh Đông Hồ rơi vào lúc khó khăn nhất, ông đã phải dùng phương án “ lấy ngắn nuôi dài “, làm thêm nghề vàng mã, để có tiền nuôi tranh. Cứ như vậy, qua nhiều năm cùng với mối quan hệ bạn bè ở trường cũ, ông đã nhờ họ giới thiệu, quảng bá tranh của mình đến với du khách trong và ngoài nước.

                               

                                                         Các nghệ nhân khác tại làng Đông Hồ ( ảnh sưu tầm )
Như đáp lại công sức bao năm của ông, khách trong và ngoài nước đã tìm đến tranh của ông để nghiên cứu, sưu tầm hay đơn giản là mua để treo trong những ngày Tết cận kề.

                                     

                                                        Một nghệ nhân khác cũng tìm về tranh Đông Hồ ( ảnh sưu tầm )

Đến bây giờ cả gia đình ông đã trải qua 3 đời gắn bó với làng Đông Hồ và nghiệp làm tranh. Từ ông, tình yêu ấy được chuyển qua các con rồi đến cháu. Những người cháu ông Chế đều ham làm tranh và lựa chọn cuộc sống ở quê để gắn bó với sản phẩm này. Và niềm mong mỏi lớn nhất của ông bây giờ đó là việc tranh Đông Hồ, đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận  là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

                            

                                                  Các bạn nhỏ thích thư với tranh Đông Hồ ( ảnh sưu tầm )
Và với thời đại của công nghệ số 4.0, việc giới trẻ tìm về với những làng nghề truyền thống như tranh Đông Hồ ngày một nhiều, điều mà các thế hệ người làm tranh Đông Hồ đi trước luôn mong mỏi, hy vọng, khi trông đợi thế hệ sau nối dài tình yêu với một dòng tranh xưa cũ.