19/03/2024 lúc 17:40 (GMT+7)
Breaking News

Những lễ hội tiêu biểu của xứ Kinh Bắc và giá trị di sản trong từng lễ hội

VNHN - Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Bắc Ninh xưa là xứ Kinh Bắc, một trong tứ trấn (trấn Bắc) của kinh thành Thăng Long, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, là vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời.

VNHN - Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Bắc Ninh xưa là xứ Kinh Bắc, một trong tứ trấn (trấn Bắc) của kinh thành Thăng Long, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, là vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời.

Với vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, Bắc Ninh là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao, có đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Bắc Ninh được xem là vùng đất của lễ hội với gần 600 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, trong đó có nhiều lễ hội lớn, đặc sắc như: Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, Lễ hội Kinh Dương Vương, Lễ hội chùa Dâu, Lễ hội đền Bà Chúa kho. Mỗi lễ hội là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tập tục và những trò chơi dân gian truyền thống, là di sản quý hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Du khách tham dự lễ hội tại Bắc Ninh.

Hội Lim

Từ xưa đến nay không chỉ tái hiện những nét văn hóa độc đáo vốn có của miền quê xứ Kinh Bắc mà còn có những liền anh, liền chị với những câu hát quan họ cổ làm say đắm biết bao người. Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền, hát trong các tư gia, hát đối từng cặp. Khách hành hương, trảy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương, hay tham dự các trò chơi dân gian như đu bay, chọi gà.

Hội Lim tại Bắc Ninh.

Lễ hội chùa Dâu

Đến hẹn lại lên, từ mùng 6 - 8/4 âm lịch, người dân 3 xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn thuộc vùng Dâu - Luy Lâu, huyện Thuận Thành lại náo nức mở hội rước Phật Tứ pháp. Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Điểm độc đáo nhất của lễ hội chùa Dâu là tục cướp nước. Hai kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ sẽ đua nhau chạy ra tam quan, kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Đây được coi là hoạt động tín ngưỡng cầu thần Nước đặc trưng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Lễ hội đền Bà Chúa Kho

Hàng năm, vào ngày 14 tháng giêng, đền Bà Chúa Kho chính thức khai hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới kéo dài hết cả tháng giêng, rất đông người đổ về đền Bà Chúa Kho dự lễ. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một thói quen hàng năm với nhiều người. Người cầu an, cầu lộc cho gia đình nhưng phần lớn là giới kinh doanh đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn thuận lợi. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các nghi lễ tế truyền thống cùng các trò chơi dân gian truyền thống náo nhiệt như chọi gà, kéo co.

Lễ hội đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh.

Lễ hội Khấn hoa mẫu đơn chùa Phật Tích

Lễ hội Khấn hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là một trong những lễ hội truyền thống diễn ra với quy mô lớn và sớm nhất của tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội gắn liền với ngôi chùa cổ Phật Tích, di tích quốc gia đặc biệt hàng nghìn năm và câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp Tiên. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu quốc thái dân an. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những hoạt động như chương trình biểu diễn quan họ trên thuyền, giao lưu nghệ thuật trên quảng trường Đại phật tượng, các trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích.

Lễ hội đền Đô

Lễ hội đền Đô được tổ chức từ ngày 14 - 16/3 âm lịch hàng năm tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, rực rỡ. Qua đó, lễ hội góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trước đây, lễ hội thường do các vị quan đứng ra tổ chức. Ngày nay, chính quyền và người dân xã hội hóa tổ chức lễ hội.

Lễ hội đền Đô Bắc Ninh.

Lễ hội chùa Bút Tháp

Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23 - 24/3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành. Lễ hội gồm 2 phần, trong đó phần lễ với những hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ được diễn ra chủ yếu trong khu nội tự. Sau phần lễ là đến phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo.

Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn rất nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội Đình Bảng, Hội pháo Đồng Kỵ, Hội đình Từ Phong, Hội làng Dương Lôi.

Lễ hội chùa Bút Tháp càng có giá trị hơn khi chùa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Bắc Ninh là một trong các địa phương chú trọng công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hàng nghìn di tích, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến quen thuộc của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về. Thời gian qua, cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống, Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý lễ hội.