27/04/2024 lúc 05:12 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng Việt nhờ CPTPP

Các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm sang châu Mỹ, thông qua Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như lợi thế từ mối liên kết giữa khối các nước thành viên hiệp định với nhau.

Các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm sang châu Mỹ, thông qua Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như lợi thế từ mối liên kết giữa khối các nước thành viên hiệp định với nhau.

Hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”.

Điểm sáng CPTPP tại châu Mỹ

Chia sẻ tại hội thảo “CPTPP – Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”, do Bộ Công thương tổ chức ngày 27-4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào 30-12-2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.

Trong số 11 thành viên tham gia CPTPP, có bốn nước thuộc khu vực châu Mỹ là Canada, Mexico, Chile và Peru, trong đó, Canada, Mexico và Peru là ba nước mà lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là những quốc gia có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, như Chile (95%), Canada (94,9%), Peru (81%) và Mexico (77%).

Sau hai năm CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 4,4 tỷ USD (tăng 45%) và 3,17 tỷ USD (tăng 41%) so cùng kỳ năm 2018. Các thành viên còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh, như Chile 30% và Peru 21% so năm 2018.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới đang trải qua một năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới. Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP tại châu Mỹ vẫn tăng trưởng 10,23% và đạt 8,84 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sang hai nước Canada và Mexico tiếp tục có mức tăng trưởng dẫn đầu trong khối thị trường CPTPP (đạt 4,4 tỷ USD tại Canada và 3,17 tỷ USD tỷ USD tại Mexico), tăng 12%, cao hơn nhiều so mức tăng xuất khẩu chung.

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt 1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD), Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD). Những con số này khẳng định CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ, vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng, Thứ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Tận dụng cơ hội cho hàng Việt chinh phục châu Mỹ

Bên cạnh CPTPP, cơ hội kết nối thị trường châu Mỹ để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất lớn thông qua các khối thương mại và FTA sẵn có của khu vực. Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, ngoài việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ.

Khu vực này có nhiều khối liên kết kinh tế thông qua các FTA với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau, thí dụ như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP 21 nghìn tỷ USD), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay với 265 triệu dân, GDP 2,4 nghìn tỷ USD), khối Liên minh Thái Bình Dương (AP, gồm các nước Mexico, Chile, Colombia, Peru với 230 triệu dân, GDP 2,1 nghìn tỷ USD), Cộng đồng Andean (CAN, gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia với 111 triệu dân, GDP 700 tỷ USD).

Nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh thuận lợi, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và ưu tiên phục hồi, duy trì phát triển kinh tế trong và sau đại dịch của các quốc gia như hiện nay.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh, như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường...

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và các Tham tán thương mại khu vực châu Mỹ, Bộ Công thương, đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ là một trong những điều kiện tiên quyết để hàng hóa của chúng ta được hưởng các ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay các FTA. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu này vẫn còn một số khó khăn, nhất là đối với các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may. Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng cũng là một vấn đề đặt ra, đặc biệt là cho các mặt hàng nông sản cũng là thế mạnh của chúng ta. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp nắm bắt được các cam kết ưu đãi thuế quan trong CPTPP cũng là một điều kiện quan trọng để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Song theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn các doanh nghiệp đã “nghe đến” hiệp định này, nhưng số doanh nghiệp “nắm sâu, hiểu rõ” chỉ chiếm số lượng rất nhỏ.

Do đó, để tận dụng hiệu quả CPTPP, theo bà Trang, cần các giải pháp mạnh hơn và mới hơn nữa. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đó là nâng cao hiệu quả công tác thực thi, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vì đây là tiền đề tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác thông tin cần tiếp tục được chú trọng, trong đó cần cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết, các ưu đãi thuế quan và các quy định về quy tắc xuất xứ theo hướng chuyên sâu hơn nữa, đi vào từng thị trường, từng mặt hàng cụ thể, với những tập huấn chuyên biệt để có tác động rõ rệt hơn đối với các đối tượng cụ thể. Thêm vào đó, thông tin về thị trường nhập khẩu liên quan đến thị hiếu, dung lượng và đặc biệt là các chính sách quản lý của thị trường nhập khẩu cũng cần được cung cấp đến các doanh nghiệp để định hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Về phía các doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao sự chủ động trong việc nắm bắt các thông tin trên. Ngoài ra, khi bước vào một sân chơi mới, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình, có sự chuẩn bị một cách bài bản hơn cả về nhân lực lẫn tài lực để tiếp cận các thị trường mới.

Theo ông Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên cách tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp Việt là điều rất quan trọng. Bởi vậy, ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về dịch chuyển chuỗi cung ứng của các nước để tự chủ trong việc tìm và tiếp cận các chuỗi cung ứng, nhằm bảo đảm cho nguồn xuất khẩu của mình, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có thêm các chính sách, chương trình vận động, quảng bá để các thị trường nước ngoài hiểu biết thêm về các doanh nghiệp cũng như các sản phẩm của Việt Nam thông qua các kênh tiếp cận đa dạng, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại.

Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về thông tin thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, đối tác, nhà nhập khẩu nước ngoài để tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho các mặt hàng thế mạnh của các địa phương và doanh nghiệp, qua đó có thể xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược kinh doanh bài bản hơn, tận dụng những ưu đãi đang có với các nước thành viên CPTPP, đồng thời hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và phát triển kinh doanh.