26/04/2024 lúc 12:15 (GMT+7)
Breaking News

Ngành dệt may cần tạo ra thương hiệu mang tầm quốc tế

VNHN - Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và tổng kết công tác hội năm 2019 ngày 13/12 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có phát biểu chỉ đạo. Thủ tướng mong muốn Ngành dệt may cần tạo ra thương hiệu mang tầm quốc tế.

VNHN - Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và tổng kết công tác hội năm 2019 ngày 13/12 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có phát biểu chỉ đạo. Thủ tướng mong muốn Ngành dệt may cần tạo ra thương hiệu mang tầm quốc tế.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: VGP)

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngành Dệt may Việt Nam (DMVN) có lịch sử phát triển hơn 120 năm, đến nay có khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN), giải quyết công ăn việc làm cho gần ba triệu người lao động; góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là vùng nông thôn, từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội có 478 hội viên chính thức, 500 hội viên liên kết. Vitas đã làm tốt vai trò kết nối giữa các DN với nhau, giữa các DN với Chính phủ; tham gia tư vấn cho Chính phủ trong đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước, góp phần quan trọng vào sự tăng tốc, phát triển của ngành; tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành DMVN…

Về hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, ngành DMVN tiếp tục có những tham vấn với Chính phủ trong hình thành các chính sách, nhất là chính sách về ngành. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, ngành cần chú trọng hơn đối với việc phát triển thị trường trong nước với dân số đạt gần 100 triệu dân, nhất là khi dân số trung lưu đang có xu hướng ngày càng tăng. Đồng thời, Thủ tướng chỉ ra các “điểm nghẽn” của ngành như: chưa thoát khỏi tự chủ về nguyên liệu, vẫn chủ yếu gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao; cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc; cơ cấu lao động còn hạn chế. Trong khoảng ba triệu lao động làm việc trong ngành thì khoảng hơn 25% được đào tạo, còn khoảng 75% chưa qua đào tạo,... Do đó ngành sớm phải khắc phục tình trạng trên. Thủ tướng cũng lưu ý, không ít DN tư nhân, DN FDI đang có nguy cơ “trắng” các tổ chức Đảng trong các DN này và đây là nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội.


 Thủ tướng trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Ảnh: VGP)

Đánh giá ngành đã chủ động đặt ra các vấn đề trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng cho rằng ngành cần nhận diện cơ hội và thách thức. Cùng với đó là tạo ra thương hiệu của ngành mang tầm khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ mai sau. Thủ tướng nêu mục tiêu cho ngành là đến năm 2030 phải phấn đấu xuất khẩu đạt 100 tỷ USD.

Nhấn mạnh thành công không chỉ là số lượng, chất lượng mà là thương hiệu của ngành, Thủ tướng đề nghị đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới. Ngành cũng phải là tốp đầu về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.

Muốn thực hiện điều đó, ngành cần có tinh thần tự cường trong phát triển, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Cùng với đó là tiếp tục kết nối DN để hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, toàn cầu; tham gia vào chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, sắp tới Việt Nam sẽ có FTA mới, ngành phải chủ động tham gia từ khi đàm phán đến chủ động tận dụng. Ngành cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ mới, nhất là trong khâu nhuộm, sợi; nghiên cứu thị trường; đào tạo, phát triển nhân lực, thay đổi mô hình quản trị hiện đại để thành công. Theo đó, phải chuyển mạnh từ hình thức gia công sang hình thức giá trị gia tăng cao. Ngành DMVN phải phấn đấu đứng vào Top đầu thế giới về sản lượng, chất lượng và doanh số. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tạo mọi điều kiện cho ngành Dệt may phát triển bền vững; đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, ủng hộ, hỗ trợ ngành, mong nhận được nhiều ý kiến góp ý của ngành để hoàn thiện chính sách của Nhà nước mang tinh thần kiến tạo và phát triển của ngành. Thủ tướng mong muốn, trước yêu cầu phát triển của đất nước, tất cả các ngành sản xuất, trong đó có ngành Dệt may tiếp tục có tốc độ phát triển cao hơn, đạt chất lượng và uy tín hơn../.