26/04/2024 lúc 11:00 (GMT+7)
Breaking News

Miền núi Quảng Nam - Những triển vọng phát triển du lịch

VNHN - Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, là nơi sinh sống của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Xơ Đăng, BhNoong… Nơi đây sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa đặc sắc rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Những năm gần đây, du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đã thực sự tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

VNHN- Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, là nơi sinh sống của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Xơ Đăng, BhNoong… Nơi đây sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa đặc sắc rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Những năm gần đây, du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đã thực sự tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Du khách tham quan làng cổ Lộc Yên huyện Tiên Phước

Từ điểm nhìn trung du Tiên Phước…

Từ tháng 9.2017, huyện Tiên Phước được UNND tỉnh cho triển khai đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025”. Từ đó, địa phương đã tập trung thực hiện đề án này, mở ra một trang mới với nhiều triển vọng về du lịch. Trên cơ sở này, mỗi năm huyện Tiên Phước được tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án trên nhiều lĩnh vực như tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… Là địa bàn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng để phát triển các loại hình du lịch nên huyện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị đó. Theo kế hoạch, huyện Tiên Phước sẽ đầu tư xây dựng điểm tại 03 xã Tiên Cảnh, Tiên Châu và xã Tiên Sơn, tạo khởi sắc cho cảnh quan không gian làng truyền thống vùng trung du. Xác định điểm nhấn là làng cổ Lộc Yên để lan tỏa đến các điểm đến khác trên địa bàn huyện, Tiên Phước đã xây dựng và thực hiện thành công đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên”. Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân có nhà cổ cam kết gìn giữ lại các công trình nhà ở là nhà cổ, bờ đá, giếng cổ và các cây cổ thụ để gìn giữ nét đẹp thanh bình cổ kính của làng quê Lộc Yên. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân một phần kinh phí để chỉnh trang vườn nhà, cổng ngõ, trùng tu nhà cổ, phục dựng các nghề truyền thống đặc trưng....”. Từ đó, nhiều hộ dân ở làng cổ Lộc Yên đã đầu tư cải tạo vườn, nhà cổ, ngõ đá, cắt tỉa bờ rào chè tàu, trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia cầm... nhằm tạo thêm vẻ đẹp nên thơ, yên bình của làng quê, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây cũng là những hộ được chọn xây dưng mô hình homestay trong phát triển du lịch của địa phương Tiên Phước. Không chỉ đến làng cổ Lộc Yên, du khách còn tham quan các điểm đến khác như Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, bãi đá Lò Thung, thác Ồ Ồ… cho thấy sức hút của du lịch Tiên Phước đã có những bước khởi động hiệu quả. Chọn hai xã Tiên Cảnh và Tiên Châu làm điểm xây dựng các homestay trong phát triển du lịch sinh thái - văn hóa, tháng 4.2018, huyện đã tổ chức cho 10 hộ dân đi tham quan thực tế các mô hình hiệu quả homestay ở huyện Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) để tìm hiểu về du lịch cộng đồng, học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển homestay bền vững. Đồng thời, UBND huyện Tiên Phước đã mời các chuyên gia về phát triển du lịch đến khảo sát tiềm năng du lịch Tiên Phước để cùng phối hợp thực hiện phát triển du lịch cộng đồng bền vững theo mô hình homestay tại địa phương. Ngành Văn hóa huyện đang tiến hành sưu tầm tư liệu về các làng nghề, văn hóa dân gian, hiện vật văn hóa - lịch sử cách mạng... để xây dựng "Bảo tàng đời sống dân gian cư dân huyện Tiên Phước", phục vụ trưng bày, giới thiệu về lịch sử vùng đất Tiên Phước với du khách. Để tiềm năng du lịch của Tiên Phước được phát huy, thu hút du khách thì sự kết nối của vùng đất này với những điểm đến trên địa bàn tỉnh trong các tour - tuyến du lịch miền núi cũng là vấn đề đặt ra cho địa phương trong hành trình phát triển trong tương lai.

Đến lan tỏa các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Những năm gần đây, hoạt động du lịch ở miền núi Quảng Nam bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có dự án “Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, dự án “Du lịch có trách nhiệm” của tổ chức Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ & Phát triển Quốc tế Việt Nam  - Nhật Bản (FIDR) với dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”... đã làm thay đổi nhận thức cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo ra sinh kế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.  Tại xã Tà Bhing (huyện Nam Giang), dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức FIDR đã tổ chức nhiều hoạt động với sự tham gia đồng bào Cơ Tu địa phương đã làm hấp dẫn du khách như múa tân tung - da dá, nói lý - hát lý ẩm thực, biểu diễn nhạc cụ... Qua đó khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đã thật sự tạo được sự chuyển biến nhận thức trong người dân về cách làm du lịch. Đối với du lịch miền núi, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tạo sản phẩm du lịch tại làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Theo ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hoa Hồng (đơn vị khai thác đưa khách đến làng Bhờ Hôồng, Đông Giang) đã đầu tư mô hình du lịch homestay tại làng Bhơ Hôồng, cùng với người dân bản địa tái hiện sinh động nhiều hoạt động như lễ hội mừng lúa mới, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi, ẩm thực… để phục vụ du khách. Sau khi được tập huấn về kỹ năng làm du lịch, hoạt động du lịch tại đây đã được người dân trực tiếp tham gia. Thời gian qua, làng du lịch Bhơ Hôồng đã đón hơn ngàn lượt du khách đến trải nghiệm và lưu trú. Sự ra đời của mô hình hoạt động du lịch miền núi Quảng Nam dựa trên lợi thế tài nguyên văn hóa, tự nhiên… có cùng mục tiêu hướng đến là cộng đồng cư dân được hưởng lợi, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Du khách tham quan làng du lịch Bhôồng

Đến nay, các huyện miền núi đều có quy hoạch và triển khai đồng bộ tập trung về về phát triển du lịch. Mỗi địa phương tìm ra lợi thể và đặc trưng riêng có để có những cơ chế, giải pháp xúc tiến đầu tư, xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch. Sở VH,TT&DL phối hợp với các huyện miền núi như Nông Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang, Hiệp Đức, Tây Giang, Nam Trà My… cùng nhiều doanh nghiệp tổ chức khảo sát du lịch để có cái nhìn tổng quan và hoạch định phát triển du lịch của từng địa phương. Với huyện Nam Trà My, đến nay, đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030” đang được triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên cho giai đoạn 2015-2020 là đầu tư xây dựng làng văn hóa của dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng tại trung tâm huyện và nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống. Đặc biệt, lợi thế độc đáo của Nam Trà My còn là thương hiệu sâm Ngọc Linh, đây là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lich của địa phương. Từ năm 2017, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã ban hành “Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm, du lịch văn hóa cộng đồng giai đoạn 2017-2025” và đang xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái văn hóa lịch sử về nguồn. Riêng với huyện Tây Giang, địa phương sở hữu hệ sinh thái rừng hoang sơ, quyến rũ như rừng cây di sản pơ mu, đỗ quyên, rừng lim cổ thụ… cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là tài nguyên du lịch phong phú để đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao ở miền núi Quảng Nam. Huyện đang tập trung triển khai "Đề án xây dựng làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng và thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững".  Các điểm đến như  làng văn hóa thôn Pơ’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), các thôn của xã A Nông, làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn biên giới Ch’nốc (Ch’Ơm), khu du lịch đỉnh Quế … luôn có du khách quốc tế đến tham quan. Trong chiến lược phát triển du lịch phía Tây Nam của tỉnh, các huyện miền núi đang được ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các dự án du lịch lớn. Vì vậy, ngành du lịch các địa phương miền núi như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… cần có những chuyển biến mạnh mẽ và liên kết để hình thành nhiều tuyến điểm phong phú cho du khách trên cung đường huyền thoại Hồ Chí Minh.

Du khách tham quan làng dệt Đrôồng huyện Đông Giang

Xác định hướng đi phát triển du lịch miền núi của tỉnh, Sở VH,TT&DL đã xây dựng "Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025" và được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp khóa IX. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025, du lịch miền núi Quảng Nam sẽ thu hút 4.500 lao động, đón 600 nghìn lượt khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khu vực ước đạt 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn tỉnh sẽ có 20 điểm du lịch ở miền núi thuộc 9 huyện: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My được hỗ trợ kinh phí thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Dự án sẽ chính thức triển khai từ năm 2019 đến 2025 với tổng kinh phí khoảng 123 tỷ đồng. Ngành du lịch đang có những bước đi đúng hướng, mạnh mẽ về phát triển du lịch miền núi, tập trung thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương phát triển du lịch, tạo ra sự đồng thuận cao trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có nhiều cơ chế, chính sách trong việc thu hút đầu tư phát triển du lịch khu vực miền núi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng dịch vụ như nhà nghỉ, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khu nhà hàng, khách sạn...

Cùng với sự phát triển du lịch chung của cả tỉnh, du lịch miền núi Quảng Nam đang ngày càng được chú trọng để lan tỏa các điểm đến hấp dẫn đến với du khách. Hy vọng, trong thời gian đến sẽ thu hút nhiều hơn nữa du khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội 9 huyện miền núi Quảng Nam ./.