26/04/2024 lúc 10:29 (GMT+7)
Breaking News

Lễ cưới của người Chăm ISLAM

VNHN - Người Chăm sinh sống ở vùng Nam bộ theo đạo Hồi Islam. Đời sống văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Chăm nơi đây còn bảo lưu nhiều nét độc đáo, trong đó nổi bật nhất là những nghi lễ cưới xin. Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ nhà trai sẽ tìm hiểu và nhờ ông Giáo cả (đại diện nhà trai) sang ngỏ lời với nhà gái. Khi được chấp thuận, nhà trai sẽ làm lễ “dứt lời”, tức là khẳng định chuyện tiến đến hôn nhân của đôi bạn trẻ đã được thống nhất.

VNHN - Người Chăm sinh sống ở vùng Nam bộ theo đạo Hồi Islam. Đời sống văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Chăm nơi đây còn bảo lưu nhiều nét độc đáo, trong đó nổi bật nhất là những nghi lễ cưới xin. Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ nhà trai sẽ tìm hiểu và nhờ ông Giáo cả (đại diện nhà trai) sang ngỏ lời với nhà gái. Khi được chấp thuận, nhà trai sẽ làm lễ “dứt lời”, tức là khẳng định chuyện tiến đến hôn nhân của đôi bạn trẻ đã được thống nhất.

Nét độc đáo nhất của hôn lễ dân tộc Chăm Islam là việc trang trí làm đẹp phòng cưới và trang phục cho cô dâu, chú rể. Trong ngày cưới, cô dâu mặc áo dài nhung không xẻ hông. Tóc và hai tai đều cài hoa và trâm cùng với các món trang sức như vòng vàng, kiềng, nhẫn xuyến... Những chiếc trâm cài đầu không chỉ là đồ trang sức mà còn là hiện vật liên quan đến nghi lễ hôn nhân. Chú rể mặc chiếc áo dài kơ rông truyền thống màu trắng của người Hồi giáo, tuy đơn giản nhưng khá lịch lãm. Chiếc áo này thường không có túi phía trước, thân áo dài quá gối. Trên đầu chú rể quấn chiếc khăn sà pạnh (một loại khăn đội đầu đặc trưng của người Chăm, chỉ sử dụng trong những dịp lễ hội trọng đại). Cũng có nhiều chú rể không đội khăn sà pạnh mà diện nón capé, một loại mũ có hình tròn, không vành, trang trí rất đẹp. Phía ngoài bộ trang phục truyền thống, chú rể diện một áo vest đen.

Nếu trong đám cưới của dân tộc khác thường diễn ra “lễ đưa dâu” thì trong đám cưới của người Chăm lại có “lễ Pengan Tin”, còn gọi là “lễ đưa rể”. Thông thường lễ cưới diễn ra trong 3 ngày, trong ngày thứ ba, một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể để đưa đến nhà gái. Một vị chức sắc có uy tín trong làng cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ, theo sau là đoàn người họ nhà trai cầm lọng, ô, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát rộn ràng đến tận cổng nhà cô dâu. Họ trải khăn trắng mời chú rể và toàn bộ nhà trai vào nhà, hai họ an tọa trên sàn gỗ để tiến hành các nghi thức cưới xin.

Trước sự chứng kiến của những người nam giới đại diện cho 2 bên gia đình và thầy cả, bố cô dâu (hoặc người bảo hộ) cầm tay chú rể và nói: “Ta gả con gái ta cho con với số tiền sính lễ là...” và chú rể đáp: “Tôi nhận cưới với số tiền sính lễ là...”. Sau đó, bên nhà trai trình sính lễ cho thầy cả kiểm tra, rồi những người chứng kiến cùng với thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện cùng chúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc. Sau nghi lễ “bắt tay giao con”, ông thầy cả hoặc người có uy tín ở nhà trai dắt chú rể đi thẳng vào phòng cô dâu. Tới phòng, chú rể đến bên cô dâu lấy tay tháo cây trâm cài trên đầu đặt xuống giường, hành động tháo cây trâm có ý nghĩa là cây hoa này đã có chủ rồi. Sau đó, chú rể dùng ngón trỏ chỉ thẳng vào trán cô dâu, hành động này có hàm ý là: “Từ giờ em đã là vợ của anh rồi, phải biết nghe lời anh đấy nhé...”. 

Văn hóa truyền thống của người Chăm Islam vùng Nam Bộ vừa giữ được nét truyền thống xa xưa của người Chăm vừa có sự ảnh hưởng của văn hóa hồi giáo, nhất là trang phục, các nghi lễ, ẩm thực. Trong trang phục truyền thống, chiếc khăn, chiếc áo, mũ của nam nữ người Chăm lưu giữ dấu ấn văn hóa Hồi giáo rõ nét nhất. Trang phục cưới của người Chăm Isalm là sự giao thoa đất trời, sự gắn kết của tình yêu đôi lứa. Bộ trang phục lễ cưới của đồng bào tạo nên một nét khác lạ, độc đáo và đầy sức uyến rũ.