27/04/2024 lúc 05:16 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai năm 2020 đạt trên 3.700 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.100ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.660ha), tăng 2,5 lần so với năm 2016

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai năm 2020 đạt trên 3.700 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.100ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.660ha), tăng 2,5 lần so với năm 2016. Thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016; trong đó, đặc biệt cây tam thất giá trị đạt trên 600 triệu đồng/ha.

Đến nay, Lào Cai đã có trên 110 ha với 5 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”; có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm thảo dược đặc trưng của Lào Cai được khách du lịch yêu mến và đánh giá cao như: cao Atiso Sa Pa, Chè dây, Giảo Cổ Lam, Tam Thất, thuốc tắm người Dao đỏ... Qua đó, các sản phẩm từ dược liệu của Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trồng cây dược liệu Tam Thất đem lại thu nhập cao cho nông dân vùng cao Lào Cai.

Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai đặt mục tiêu: Ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô trên 3.000 ha, 30% lượng hạt giống, cây giống dược liệu do người dân tự sản xuất. 100% diện tích cây dược liệu làm thuốc sản xuất đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP" 100% vùng trồng cây dược liệu hàng năm được được tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt hàng theo hợp đồng liên kết gắn với phát triển thương hiệu và quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đến năm 2030, Lào Cai đặt mục tiêu đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) và được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển: cây dược liệu bền vững; đồng thời, địa phương tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp

Được biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định Lào Cai là một trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam. Thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Nguồn dược liệu của cộng đồng các dân tộc Lào Cai đang ngày càng được mở rộng không chỉ cho thấy vai trò quan trọng của loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mà còn cho thấy nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai ngày càng tăng cao.