02/05/2024 lúc 04:38 (GMT+7)
Breaking News

Hướng đi mới cho du lịch huyện Quốc Oai

Với lợi thế giao thông thuận lợi, lại có nhiều di tích cổ nức tiếng cả nước, huyện Quốc Oai đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách không chỉ nội đô mà còn khách phương xa và quốc tế. Mặc dù đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Quốc Oai đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch, biến di sản cổ lâu đời thành tài sản phát triển kinh tế - xã hội.    

Với lợi thế giao thông thuận lợi, lại có nhiều di tích cổ nức tiếng cả nước, huyện Quốc Oai đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách không chỉ nội đô mà còn khách phương xa và quốc tế. Mặc dù đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Quốc Oai đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch, biến di sản cổ lâu đời thành tài sản phát triển kinh tế - xã hội.    

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, huyện Quốc Oai có nhiều ngôi chùa, đình cổ nổi tiếng trong danh sách di tích quốc gia đặc biệt như: Chùa Thầy, đình So... Không chỉ nổi tiếng với truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh, cụm Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy hấp dẫn khách gần xa vì không gian cổ kính, thơ mộng. Chùa Thầy gồm các hạng mục: Thủy đình, cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên, đền Tam Phủ, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng... Chùa Thầy cùng cụm di tích gắn liền như chùa Long Đẩu, hang Cắc Cớ, bàn cờ Tiên, chợ Trời... tạo thành một quần thể danh thắng không thể tách rời.

 

Chùa Thầy đẹp cổ kính bên tháng 3 hoa Gạo nở

Vào tháng 3 hằng năm, lễ hội chùa Thầy diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã trở thành "đặc sản" hấp dẫn du khách. Nhưng hai năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chùa Thầy không diễn ra nhưng từ tháng Giêng, rất nhiều du khách vẫn đến chùa Thầy để tham quan, ngắm cảnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, chùa Thầy đón khoảng trên 2 vạn lượt du khách.

Cách chùa Thầy không xa, nằm trên xã Cộng Hòa, đình So tọa lạc bên dòng sông Đáy với kiến trúc gỗ độc đáo, được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực bậc nhất của xứ Đoài. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ Tam vị Đại Vương, là tướng nhà Đinh có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Trong đình còn lưu giữ 40 đạo sắc phong từ năm Hoằng Định thứ 2 (1601) thời nhà Lê đến năm Khải Định thứ 9 (1924) thời nhà Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Sự cổ kính và nét chạm khắc tinh xảo của ngôi đình đã tạo sự hấp dẫn đặc biệt, và là điểm dừng chân không nên bỏ lỡ khi đến Quốc Oai.

Không chỉ có các di tích cổ, huyện Quốc Oai hiện còn là điểm đến thu hút du khách khi hình thành nên quần thể giải trí Baara Land với sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" hoành tráng và hiện đại nhất khu vực phía Bắc. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm biển nước mặn cùng nhiều trò chơi dưới nước, biểu diễn cá heo...

Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của hơn 10 đơn vị lữ hành để nhằm đánh giá lại tiềm năng cũng như tăng tính kết nối du lịch giữa Quốc Oai với khu vực nội thành. Để phát huy các lợi thế, địa phương cần có kế hoạch kết nối các điểm di sản với những trung tâm giải trí hiện đại, tăng thêm tính trải nghiệm cho du khách tại những điểm di sản đã quen thuộc và cần đẩy mạnh khâu truyền thông quảng bá. 

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giống như nhiều địa phương khác, huyện Quốc Oai tạm dừng các hoạt động đón khách tại các di tích để thực hiện phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết:  Thời gian qua Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thành mũi nhọn, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí kết hợp phát triển làng nghề. Do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vì thế, du lịch nội địa vẫn là chủ đạo trong thời gian dài. Kế hoạch phát triển du lịch của huyện sẽ có sự điều chỉnh để phát huy rõ hơn các di sản vốn có để phù hợp với nhu cầu của khách trong nước nhưng vẫn phải gắn với việc phòng, chống dịch Covid-19. Đến năm 2025, huyện phấn đấu đón 1,2-1,5 triệu lượt du khách.