27/04/2024 lúc 08:25 (GMT+7)
Breaking News

Hơn 2,26 triệu khách hàng được miễn, giảm lãi suất trong năm 2021

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 27/12/2021, các ngân hàng đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng tính.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 27/12/2021, các ngân hàng đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng tính.

Hơn 2,26 triệu khách hàng được miễn, giảm lãi suất trong năm 2021

Theo đó, các ngân hàng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng khoảng gần 37.500 tỷ đồng trong gần 2 năm qua. Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 cho khách hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.

Còn đối với chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 68, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 doanh nghiệp sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động.

Ngoài ra, các tổ chức cũng đã miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Dự kiến tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) đã giảm cho khách hàng từ năm 2020 đến hết năm 2021 khoảng 2.557 tỷ đồng và giảm trên 250 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng trong năm 2021.

Trong năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. 

Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Khuyến khích các tổ chức tài chính tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế song song với việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ… Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.

NHNN cũng triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt; Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị định mới về thành toán không dùng tiền mặt cũng như Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Song song đó, NHNH cũng triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.