08/05/2024 lúc 22:08 (GMT+7)
Breaking News

Đền Đông Cuông – Điểm đến tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng

Nằm trên địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đền Đông Cuông được xem là địa điểm tâm linh linh thiêng được nhiều người lựa chọn để cầu bình an, may mắn mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Nằm trên địa phận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đền Đông Cuông được xem là địa điểm tâm linh linh thiêng được nhiều người lựa chọn để cầu bình an, may mắn mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Chính vì vậy, việc đi đền vào đầu năm là cách để bà con yên tâm hơn trong dịp năm mới. Và đối với người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung, đền Đông Cuông từ lâu đã trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng.

Theo đó, với lịch sử hình thành lâu đời cùng những dấu ấn một thời của dân tộc, ngày 22 tháng 01 năm 2009,  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đền Đông Cuông là cụm Di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông).

Đền Đông Cuông – Nơi ghi dấu lịch sử, mang giá trị hồn cốt dân tộc

Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết Đền Đông Cuông có muộn nhất vào đời Lê, được phát triển từ một Miếu cổ (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần); Các thư tịch cổ như Kiến văn tiểu lục, Đại Nam thống nhất chí đều có ghi chép về ngôi Đền Đông Cuông này. Đền và khu vực đền có liên quan đến Đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ).

Phủ thờ Mẫu Thượng Ngàn

Đền Đông Cuông sơ khởi là Miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng là người Tày Khao sáng lập và thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền, đồng thời là nơi làm việc của Thổ Tù, chức dịch, phiên quan và đảm chức năng “Đinh Trạm” chuyển tống đạt công văn hai chiều giữa triều đình trung ương và cơ sở. Thời Trần tổng dinh Quy Hóa - Hà Bổng và ông Từ (Ngọc Tháp - Quang Sơn) lên trấn giữ biên ải. Hiện nay, trước là Đình, nay là Đền dòng họ Hà quán xuyến bởi tổ phụ của dòng họ Hà là Hà Văn đã từng lãnh đạo địa phương đánh giặc Nguyên - Mông thời Trần.

Sử chép tháng 2 năm Đinh Hợi (1287) vua Nguyên - Mông lấy 7 vạn quân, 500 chiến thuyền, 6.000 quân Vân Nam và 1 vạn 5.000 quân ở 4 châu ngoài bể và sai thái tử Thoát Hoan làm đại nguyên soái; A Bát Xích làm Tả Thừa; A Lỗ Xích làm bình trương chính sự; Ô Mã Nhi làm chính sự đem tất cả hơn 30 vạn quân sang tiến đánh nước Nam.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng sự tài trí, sẵn sàng hy sinh của các vị tướng tài họ Hà, quân ta đã thắng Nguyên – Mông vang dội, thể hiện hào khí của dân tộc.

Theo đó, Hà Chương trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông đã đuổi quân Nguyên từ Phú Thọ theo đường sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Thổ (tức Châu Quế Hạ ngày nay), Hà Chương chiêu mộ thêm thổ binh địa phương tiếp tục truy kích địch, đóng bè mây mang ra cắm chốt tại cửa ngòi Thác Nhược. Sau một tuần quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch, trong lúc quyết chiến Hà Chương bị thương nặng và hy sinh, đã được đưa sang sông chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn. Hậu duệ của ông đã rước hồn về thờ tại Đền Đông Cuông.

Theo mục cổ tích Trấn Hưng Hóa, sau bị tử trận và được dân làng lập miếu thờ bên ghềnh ngai (thuộc thôn Ghềnh Ngai bên bờ trái thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên), vợ ông là Lê Thị và con trai ông là Hoàng Báo khi mất cũng được dân làng thờ bên Ghềnh Ngai và ít lâu sau, ban thờ mẹ và con được di chuyển sang đình cả Đông Cuông (nơi Đền Đông Cuông ngày nay).

Ngoài ra, còn nhiều giai thoại khác liên quan đến những vị Tướng được nhân dân cả tụng, biết ơn, thờ cúng tại Đền Đông Cuông.

Đặc biệt, theo nhiều nhà nghiên cứu của văn hóa dân gian nhận định, đền Đông Cuông là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn. 

Đền Đông Cuông được xem là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, cứ vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chính vì vậy, những năm qua, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm, đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về, hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão tháng Giêng hàng năm

Từ đó, việc đi lễ đầu năm, cũng phần nào thể hiện được tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây cũng là cách để chúng ta cùng nhìn lại tinh thần hào hùng, sự bất khuất, hy sinh của ông cha, của dân tộc. Từ đó biết ơn, tự hào và cố gắng.