26/04/2024 lúc 20:37 (GMT+7)
Breaking News

Đào tạo báo chí gắn trách nhiệm nhà báo với sự phát triển vì cộng đồng

VNHNO - Trong bối cảnh thời đại công nghệ số về thông tin phát triển nhất là cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới nhiều chiều khác nhau. Điều đó đặt ra không ít những khó khăn cũng như cơ hội trong công tác đào tạo sinh viên theo ngành báo chí và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. 

VNHNO - Trong bối cảnh thời đại công nghệ số về thông tin phát triển nhất là cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới nhiều chiều khác nhau. Điều đó đặt ra không ít những khó khăn cũng như cơ hội trong công tác đào tạo sinh viên theo ngành báo chí và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018) phóng viên báo Người Hà Nội đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Bùi Chí Trung - Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội - Đại học QG Hà Nội) xung quanh những vấn đề này.

Phóng viên: Trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, công tác đào tạo các nhà báo tương lai của Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay như thế nào thưa Tiến sĩ?

TS. Bùi Chí Trung: Không phải đợi đến công nghệ 4.0 chúng ta mới thấy thách thức và cũng như nhìn thấy cơ hội cho đào tạo ngành báo chí. Bởi những giá trị cốt lõi của báo chí hay nghề đào tạo báo chí bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng nhất định từ những chuẩn mực nhất định. 

Đối với Khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường được xây dựng trên hệ thống từ  Trường Đại học Tổng hợp trước đây và bây giờ là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội - là ngôi trường nổi danh với hệ thống nghiên cứu cơ bản. Do vậy, sinh viên được đào tạo từ những phông nền kiến thức cơ bản, các bạn được đào tạo từ mô hình truyền thông, phương pháp truyền thông, người truyền thông… Nhà trường đào tạo sinh viên làm báo chí truyền thông và nhóm kiến thức chuyên ngành về truyền thông là cái được chú trọng thứ hai.

 

Tiến sĩ Bùi Chí Trung - Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội - Đại học QG Hà Nội)

Khoa Báo chí và Truyền thông tập trung hơn về mô hình truyền thông hiện đại và các mô hình truyền thông đó được ứng dụng cũng như sự lan tỏa của truyền thông như thế nào, kỹ năng nào để sinh viên phát triển nó. Từ những kiến thức cơ bản đó, sinh viên phát triển ra những nhu cầu của mình, các bạn có thể học phát thanh, học báo in, học báo mạng…đó là những môn học mà sinh viên có thể lựa chọn ngay trên ghế nhà trường.

Phóng viên: Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đó đã mở ra những cơ hội cũng như thách thức nào đối với công tác đào tạo báo chí của nhà trường? 

TS. Bùi Chí Trung: Nếu trước đây, khán giả ngồi trước màn hình, chúng ta những người làm báo muốn nói gì thì nói, khán giả ngồi một chỗ thụ động tiếp nhận. Bây giờ thì không phải như vậy, mọi người, mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện không gian…khán giả đều có thể tiếp cận các sản phẩm báo chí và truyền hình qua hệ thống của Internet. 

Cách tiếp cận của 4.0 thì chúng tôi hình dung ra từ lâu cùng với đó nhà trường trang bị thiết bị cơ sở vật chất cho sinh viên tương đối tốt không kém gì các Đài truyền hình, thậm chí có những chương trình Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã phối hợp với nhà trường để sản xuất một số chương trình phát sóng trên VTV2, VTV3. Khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường cũng là nơi hội tụ rất nhiều người giỏi, không chỉ cán bộ giáo viên cơ hữu của khoa mà chính những người làm báo bên ngoài mới có tâm hồn, sức quyến rũ, mới có nhiều nhiệt huyết giúp các bạn sinh viên. Chúng tôi nghĩ rằng, họ vừa có nền tảng kiến thức báo chí vừa có những kinh nghiệm thực tiễn và từ đó nó giúp cho sinh viên vừa học vừa có cơ hội tiếp cận báo chí nhanh.

Sinh viên của khoa sớm được tiếp cận ngay với diện mạo báo chí bằng phương pháp đưa tòa soạn đến giảng đường và ngược lại đưa giảng đường đến tòa soạn. Biến khoa Báo chí và Truyền thông này trở thành một tòa soạn. Đồng thời, chúng tôi mang kinh nghiệm khái quát lại thành vấn đề từ giảng đường trao đổi lại với các cơ quan báo chí, đơn vị phối hợp truyền thông, ngược lại các đơn vị lại mang các vấn đề thời sự, sức nóng của dòng chảy thời sự đi ngược lại chúng tôi. Qua đó, tạo ra những khía cạnh thuận lợi hơn trong công tác đào tạo báo chí của nhà trường.

Thời đại công nghệ 4.0, chúng ta không nên chỉ tiếp cận dưới góc độ kỹ thuật, cái tinh thần 4.0 nhiều người nói là tinh thần khởi nghiệp hay sự liên tục vận động hay liên tục phát triển đó mới là cốt lõi. Nó thúc đẩy cho người ta nhìn nhận nghiêm túc người làm báo hay truyền thông bây giờ nó không có không gian biên độ nhất định. Cách chúng ta có thể tiếp cận những nguồn tài nguyên thông tin trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 mới là vấn đề trong chuyện đào tạo về truyền thông. 

Trước đây, Trường Đại học Tổng hợp là nơi những tinh hoa nhất của Việt Nam lựa chọn vào đây nhưng đến nay cơ hội học tập có nhiều hơn, một số học sinh giỏi du học, lớp học sinh muốn ổn định công việc ngay đi vào các trường khối lực lượng vũ trang, một số khác lựa chọn các trường khối kinh tế như: Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân, Xây Dựng, Ngân hàng…Khó khăn về nguồn sinh viên chất lượng cao, cũng là vấn đề đặt ra, bởi quặng như thế nào ra chất lượng thép như thế. Trong nghề báo rất sợ sự “trung tính” sợ người không có cá tính.

Với mô hình thi tuyển như bây giờ chúng tôi không bao giờ thiếu sinh viên nhưng lựa chọn ra gương mặt nào để trao truyền, truyền nghề vẫn còn hạn chế. Tôi cũng cho rằng người học báo chí phải thật sự đam mê bởi vì nếu không đam mê thì sẽ rất khó học và làm báo. Thường những người có đam mê là có năng khiếu và ý thức nghề nghiệp rõ ràng, có chí rèn nghề và có chí hành nghề. Đây là những thách thức lớn và khi đã vào học theo nghề báo thì cần cần phải được tích hợp đa kỹ năng, phải giỏi về kỹ thuật công nghệ, giỏi về ngoại ngữ nói chung và làm báo phải thực sự có tâm huyết, có trí tuệ và cảm xúc.

Phóng viên: Nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, đặc biệt là việc gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của Khoa Báo chí và Truyền thông luôn quan tâm như thế nào để đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội?

TS. Bùi Chí Trung: Khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường không chỉ đào tạo sinh viên một hệ và ngược lại mở ra nhiều đối tượng khác nhau, như cao học ứng dụng sát vấn đề thực tế tại địa phương, cơ quan báo chí. Nhiều anh chị có thể không tốt nghiệp báo chí họ học kiến thức bổ sung chuyển đổi, xong thi vào lớp cao học ứng dụng như vậy vừa có lý thuyết, kiến thức thực hành cao hơn và thực tiễn sát với địa phương hơn.

Công tác đào tạo báo chí mặc dù còn những khó khăn nhưng cũng không phải lo ngại lắm vì chúng tôi nghĩ con đường này vẫn còn nhiều cửa, nó rất nhiều cơ hội và thực tiễn. Trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 này luôn luôn đặt ra những điều mới, chỉ có điều anh có nắm được nó hay không.

Nếu như đào tạo cao học trước đây nặng về lý thuyết còn cao học ứng dụng bây giờ sát với nhu cầu thực tiễn hơn, sinh viên thực tế hơn trên cái khung trương trình đào tạo. Bám rất sát với chuẩn đầu ra, sinh viên biết mình sẽ được học những môn học gì bao nhiêu tiến chỉ và thậm chí thầy nào giảng dạy giỏi họ đăng ký vào thầy đó, chứ không phải bị dạy, sinh viên được quyền lựa chọn, định hướng môn học sát với thực tế hơn, đúng nhu cầu thực tế hơn có môn học kỹ năng viết cho báo in hay kỹ năng viết cho phát thanh truyền hình. Nhưng thực tiễn luôn thay đổi, bởi vậy cần nhiều hơn những môn thực tiễn sáng tạo để đào tạo cử nhân chất lượng cao, hay tác nghiệp báo chí trong môi trường thảm họa, những thách thức bất ngờ trong tác nghiệp thì nhà báo, phóng viên làm gì… 

Khoa Báo chí và Truyền thông không chỉ đào tạo báo chí mà đây là khoa duy nhất đào tạo hai ngành báo chí và quan hệ công chúng. Sắp tới khoa mở các ngành khác như: quản trị truyền thông đa phương tiện, kinh tế báo chí. Khoa cũng mở rộng đào tạo hợp tác quốc tế, bởi chiến lược của chúng tôi sẽ xây dựng khoa thành Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Trước đây, đào tạo báo chí là đưa ra rất nhiều bộ môn khác nhau nhưng bây giờ chúng tôi chỉ còn lại một bộ môn và thay vào đó là xây dựng các trục khác tương hỗ với nhau như: Trục quản trị truyền thông, trục về truyền thông đa phương tiện, trục quan hệ công chúng… nó sẽ hiện đại hơn và thích ứng với cuộc sống này hơn.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí lựa chọn cử nhân chuyên ngành để đáp ứng công việc hơn là việc chọn sinh viên học báo chí? Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. Bùi Chí Trung: Học chuyên ngành họ nắm bắt được khối lượng kiến thức nhất định ví dụ: Học chính trị học, luật, kinh tế, văn hóa…sau đấy học thêm những kỹ năng về báo chí rất nhiều nhà báo giỏi xuất phát từ những con đường đó và tôi luôn cổ vũ những con đường đó. 

Nhưng có một cách lựa chọn thứ 2, vì nếu như thế thì trên thế giới chẳng cần có hệ thống đào tạo báo chí làm gì cả. Bởi những người được đào tạo về kỹ năng báo chí họ có sự nhanh nhạy hơn nhất định, họ có sự thuần thục hơn nhất định, họ có khả năng nắm bắt, xử lý ứng biến của cuộc sống nhanh hơn những người không học chuyên ngành báo chí. 

Sinh viên ở đây có thể học một lúc hai bằng, sinh viên khoa chính trị học có thể học thêm bằng báo chí và ngược lại, bởi học theo tín chỉ vấn đề họ có năng lực để học hay không. Sinh viên có nhiều bạn sau khi ra trường có hai bằng như thế rất tốt. Hiện nay, nhiều sinh viên của khoa học đến năm thứ 3 đã có việc, tuy nhiên cũng có những bạn mơ hồ về nghề báo thậm chí là thụ động, nhưng cuộc sống nó có sự đào thải khắc nghiệt riêng, chúng tôi không thể thức đẩy họ theo kiểu duy ý trí, bởi việc học chủ yếu là tự học. Nhà trường tạo ra những cơ hội tốt nhất có thể cho sinh viên, còn việc nắm bắt được đến đâu là dựa vào khả năng mỗi cá nhân.

So với thế hệ của mình 20 năm trước với các bạn sinh viên bây giờ ở nhiều mặt các bạn hơn mình: nhanh nhậy hơn về công nghệ, kỹ năng thao tác nghiệp vụ, tiếng anh, kỹ năng thiết lập mối quan hệ nhanh nhưng thế hệ ngày xưa chịu khổ tốt trải nghiệm thực tế nhiều hơn sinh viên bây giờ. Bởi công nghệ số thông tin chia sẻ nhanh các bạn tiếp cận nhanh hơn và thậm chí không cần đến thực tế để ghi nhận mà qua Internet ghi nhận nhưng nếu làm báo không có trải nghiệm, không gặp khó khăn trong thực tiễn các bạn dễ bị chi phối với cuộc sông ảo hơn.

Phóng viên: Tiến sĩ đánh giá như thế nào trước những cơ hội việc làm và công tác giáo dục đạo đức nghề báo của các nhà báo tương lai trong giai đoạn hiện nay?

TS. Bùi Chí Trung: Trước đây, cơ hội nghề nghiệp khó hơn nhưng bây giờ số lượng cơ quan báo chí nhiều hơn sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn. Số lượng sinh viên của khoa tự tin ra trường có việc làm là rất lớn, khảo sát 10 sinh viên có đến 8 sinh viên đã có công việc vào những năm thứ 3. Chúng tôi hướng cho sinh viên đến những việc nên làm không bắt ép sinh viên chỉ một con đường chọn đường duy nhất học báo chí phải làm báo chí mà có thể làm truyền thông.

Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua những kiến thức, nhận thức rất cụ thể, thông qua xử lý các mối quan hệ cụ thể trong quá trình hành nghề tác nghiệp. Giáo dục về lý tưởng hành nghề, xác định rõ đối tượng phục vụ để xác định rằng nghề báo là một nghề vì sự phát triển xã hội chứ không phải đơn thuần chỉ là một nghề để kiếm sống. Nghề báo là nghề vì công chúng, vì cộng đồng, vì nhân dân để phục vụ và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước./.

Pv: Trân trọng cảm ơn TS!