26/04/2024 lúc 11:01 (GMT+7)
Breaking News

Dân Lâm Đồng quay lưng với cây chè do thu nhập giảm sút

VNHN - Hiện, xuất khẩu chè đang gặp rất nhiều khó khăn khiến thu nhập của người nông dân ngày càng bị giảm sút, thậm chí không đủ chi phí để duy trì tiếp.

VNHN - Hiện, xuất khẩu chè đang gặp rất nhiều khó khăn khiến thu nhập của người nông dân ngày càng bị giảm sút, thậm chí không đủ chi phí để duy trì tiếp.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lâm Đồng có 21 nghìn ha chè, tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc vì vùng đất này có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây chè nhất. 

Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, toàn tỉnh đã giảm gần nửa diện tích trồng chè so với 2 năm trước đó, chỉ còn khoảng 13 nghìn ha do người dân chặt phá bớt để chuyển sang cây trồng khác cho thu nhập cao và ổn định thị trường hơn.

Theo ước tính, mỗi năm, người nông dân có thu nhập khoảng 160 triệu đồng/ha chè chất lượng cao, sau khi trừ hết các chi phí chỉ lãi khoảng 50 triệu. Đặc biệt, cây chè cần tốn rất nhiều công sức, từ khâu chăm sóc và thu hái. 

Ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết, trong 3 năm qua, diện tích trồng chè trong huyện giảm hàng nghìn ha, đặc biệt trong năm nay giảm mạnh. Trước tình hình sản xuất, tiêu thụ chè khó khăn như hiện nay khiến nhiều nông dân tiến hành trồng xen cà phê. Đến thời điểm này, khi cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh thì bà con chặt bỏ chè.

Tại xã Xuân Trường và Trạm Hành của TP. Đà Lạt, diện tích cây chè ở đây dù không lớn so với toàn tỉnh nhưng nông sản này đã có mặt ở vùng Cầu Đất từ thời Pháp. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, người dân đã phá bỏ hơn 40 ha dù đó là những loại giống chất lượng cao như Kim Tuyên, Tứ Quý... để chuyển qua trồng cà phê và rau hoa.

Trước thực tế giá chè những năm gần đây giảm mạnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh, cơ quan quản lý và những doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng lúng túng trong việc định hướng và khó đảm bảo cho đời sống của người trồng chè. 

Ông Đoàn Trọng Phương - Tổng giám đốc công ty chè Lâm Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, giá cả chè những năm gần đây biến động thất thường khiến thu nhập của người trồng chè thấp. Có những diện tích chè chất lượng thấp thì thu không đủ chi, làm chè chẳng có lãi, bà con không còn thiết tha.

Cũng theo ông Đậu Văn Xuân, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cáo cũng như tuyên truyền để người dân giữ cây trồng gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm gì để phát triển kinh tế lại là quyền lựa chọn của nông dân. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng khó định hướng loại cây trồng này cho người dân, bởi so với các loại cây trồng thì cây chè đang lép vế./.