26/04/2024 lúc 12:49 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với nghành Thông tin và Truyền thông Nam Định

VNHN - Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua(GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2016). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không hề nhỏ đối với ngành Thông tin và Truyền thông cả nước nói

VNHN - Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua(GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2016). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không hề nhỏ đối với ngành Thông tin và Truyền thông cả nước nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016. Tại Diễn đàn này, khái niệm “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS)”. Cuộc cách mạng này được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ số với sự phổ biến của Internet, di động, các cảm biến và trí tuệ nhân tạo, được tích hợp các công nghệ thông minh, tiên tiến như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tư động hóa, người máy, .. để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, đáp ứng chính xác nhu cầu của từng khách hàng đơn lẻ.

So với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước(1), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh giá có sự khuếch tán nhanh và rộng rãi hơn, ảnh hưởng lớn hơn đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, có tác động tới đông đảo người dân hơn trên thế giới. Với chính phủ, công nghệ và thiết bị cho phép người dân và chính phủ tương tác dễ dàng và nhanh chóng hơn. Người dân được tiếp cận gần hơn với chính phủ để giám sát và nêu ý kiến; trong khi chính phủ cũng sẽ có những công cụ mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như để tăng cường sự quản lý, lãnh đạo của mình với người dân. Với doanh nghiệp, sự ra đời của công nghệ mới, phương thức sản xuất mới dẫn đến sự thay đổi về cả hai phía cung và cầu. Các nhà cung cấp nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu sản phẩm và phân phối sẽ nâng cao được chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Kết quả sẽ có cơ hội lớn hơn để vươn lên thống lĩnh thị trường. Ở phía cầu hàng hóa, kỳ vọng của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ ngày càng gia tăng. Sự hiện hữu của các cơ sở dữ liệu lớn và sự phổ biến của các hệ thống mạng xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hiểu được nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng để từ đó thiết kế và cung cấp sản phẩm phù hợp, thích nghi với từng đối tượng khách hàng đơn lẻ. Với người dân, cuộc cách mạng công nghệ lần này được cho là sẽ có những tác động sâu sắc đến hành vi của con người trên tất cả các khía cạnh làm việc, giải trí, học tập, giao tiếp, lối sống… Thậm chí nó còn làm mất đi một số bản năng của con người như sự gắn kết các mối quan hệ xã hội và lòng thương cảm đồng loại. Các cảm biến, công nghệ sinh học, tự động hóa, trí thông minh nhân tạo và hệ thống dữ liệu lớn… làm định hình lại những định nghĩa về năng lực, trí thông minh, tuổi thọ và sức khỏe của con người.

Cơ hội và thách thức với ngành TT&TT Nam Định

Trước những ảnh hưởng và tác động sâu rộng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thông tin và Truyền thông Nam Định đứng trước nhiều thách thức đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Viễn thông Internet và Báo chí truyền thông.

Một là, thách thức về việc xây dựng một nền hành chính hiện đại - Chính phủ điện tử. Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet cho phép người dân tiếp cận gần hơn với chính phủ và ngược lại cho phép chính phủ quản lý và phục vụ người dân được hiệu quả hơn. Do đó, các cơ quan chính quyền đứng trước sức ép phải minh bạch hóa, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của bộ máy làm việc ở tất cả các cấp, các ngành. Trong những năm vừa qua Nam Định đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, phần mềm Một cửa điện tử, hệ thống Cổng thông tin điện tử và hệ thống Thư điện tử công vụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng thành công chính quyền điện tử tỉnh Nam Định, hướng tới một nền hành chính hiện đại, một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hai là, thách thức về phát triển hạ tầng viễn thông, Internet. Các thành tựu của CMCN 4.0 được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ số, do đó vai trò của hạ tầng viễn thông băng thông rộng với dung lượng lớn, thời gian thực là rất quan trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh, truyền dẫn cáp quang Internet đã bao phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, số thuê bao đường truyền riêng băng rộng cố định còn ít, hiện mới có gần 10.000 thuê bao trên gần 2 triệu dân. Tỷ lệ phủ sóng di động 3G trên toàn tỉnh đã đạt 100% với tổng số 1.025 trạm. Mặc dù số trạm 4G đã lắp đặt được gần 700 trạm, nhưng vẫn còn ít so với nhu cầu cần có để bao phủ toàn địa bàn tỉnh. Trong tương lai, sau năm 2020 mạng 5G sẽ được các nhà mạng triển khai trên địa bàn. Việc phát triển hạ tầng mạng, đặc biệt vấn đề xây dựng các trạm phát sóng BTS còn gặp nhiều khó khăn do lo ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ đến sức khỏe người dân.

Đ/c Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hoạt động tại Trung tâm tích hợp dữ liệu

Ba là, thách thức trong xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn và data center. CMCN 4.0 sẽ hình thành các siêu máy tính và cơ sở dữ liệu lớn. Đây là nền tảng cho việc phát triển công nghệ điện toán đám mây và khả năng phân tích, tính toán và chiết suất dữ liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như trong quản lý kinh tế - xã hội của các cơ quan chính phủ. Về cơ sở dữ liệu, hiện các hệ thống CSDL trên địa bàn tỉnh còn tương đối nhỏ lẻ và manh mún. Các hệ thống CSDL lớn, quan trọng như CSDL về kinh tế - xã hội, đất đai, dân cư … chưa được xây dựng hoặc chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ và kết nối liên thông với nhau để được khai thác một cách hiệu quả. Về data center, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế (Tier). Nhu cầu về lưu trữ dữ liệu sẽ còn tăng cao trong thới gian tới. Theo nghiên cứu của Cisco, đến năm 2021 lưu lượng dữ liệu toàn cầu sẽ tăng gấp 7 lần so với năm 2016. Với một vài trung tâm dữ liệu nhỏ, chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh như hiện nay có thể nhận thấy thách thức rất lớn trong việc đáp ứng được nhu cầu về lưu trữ dữ liệu của các cơ quan nhà nước cũng như của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, thách thức về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trong cuộc CMCN 4.0, các hệ thống CSDL, các thiết bị truy cập và kết nối Internet ngày càng lớn và phổ cập, việc tấn công, xâm nhập bất hợp pháp hệ thống mạng, CSDL, các thiết bị thông minh… ngày càng gia tăng, đặt ra hàng loạt thách thức liên quan đến vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh mạng. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2017, Việt Nam xếp thứ 100 trên 165 bậc xếp hạng, ở mức độ “Sơ khai” về chỉ số an toàn thông tin mạng (2) . Để giải quyết bài toán về vấn đề an toàn và an ninh mạng, thách thức không chỉ từ đến vấn đề quản lý nhà nước, mà còn liên quan đến các vấn đề như đầu tư cho thiết bị, hạ tầng an ninh mạng, đến ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho chính mình và rộng hơn cho tổ chức mình tham gia và quốc gia mình sinh sống.

Năm là, thách thức từ việc thích ứng với sự khuếch tán công nghệ trong nền báo chí truyền thông. CMCN 4.0 được cho là có tác động mạnh mẽ đến báo chí truyền thông trên cả ba khía cạnh: cơ quan báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông và khách hàng - công chúng truyền thông. Sự ra đời của công nghệ thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AV), công nghệ cảm ứng, công nghệ truyền dẫn không dây (3G, 4G, 5G), cùng với một bộ phận lớn công chúng sử dụng các thiết bị di động thông minh (smart phone, Ipad,…) đã hình thành nên một loại hình sản phẩm báo chí truyền thông mới - “báo nhúng”. Với “báo nhúng”, độc giả sẽ được tiếp nhận thông tin không chỉ qua thị giác và thính giác như các sản phẩm báo chí truyền thống, mà còn bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình trong một không gian đa chiều như đang được tham gia, chứng kiến tại hiện trường sự việc. Điều này buộc các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi phương thức và quy trình sản xuất của mình; sản phẩm báo chí truyền thông sẽ phải thay đổi từ báo in, báo hình thuần túy sang các loại hình sản phẩm đa phương tiện; một lớp công chúng mới, tương thích của thời kỳ truyền thông số, “báo nhúng” sẽ được hình thành, tiếp nhận thông tin thông qua việc sử dụng các thiết bị di động thông minh.

Sáu là, thách thức từ nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Đây là thách thức chung, bao trùm và hiện diện trong tất cả các thách thức đã đề cập bên trên. CMCN 4.0 đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đáp ứng trên hai thành phần cơ bản: nhân lực thừa hành và nhân lực sáng tạo công nghệ. Cũng giống như các ngành nghề, lĩnh vực khác, về cơ bản nguồn nhân lực công nghệ ngành Thông tin và Truyền thông Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung chưa hoàn toàn sẵn sàng cho CMCN 4.0. Điều này tạo ra một thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển của ngành trong thời gian tới.

Để biến các thách thức trở thành cơ hội phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông Nam Định cần có những giải pháp đồng bộ và sáng tạo trên các mặt sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về cuộc CMCN 4.0. Làm rõ nội hàm của Cuộc cách mạng cũng như những tác động và cơ hội mà nó đem lại cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Điều này được thực hiện thông qua các sản phẩm báo chí truyền thông phát hành trên hệ thống báo đài và truyền thanh cơ sở, thông qua các chuyên đề sinh hoạt trong hệ thống cơ sở Đảng các cấp, thông qua các bài nói chuyện của các chuyên gia trong các trường phổ thông, đại học, thông qua các hội nghị, hội thảo trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẽ lôi kéo được cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội vào cuộc và cùng phối hợp hành động.

Trung tâm thu phát tín hiệu truyền hình của VTVcad Nam Định

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các đề án, dự án ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Việc cung cấp công cụ làm việc và quản lý hiện đại cho cán bộ công chức được ưu tiên thực hiện cho các cơ quan, lĩnh vực quan trọng có liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, các phần mềm dùng chung cơ bản của chính phủ điện tử được xác định và áp dụng triển khai đồng bộ tới 100% các cơ quan hành chính 3 cấp tỉnh, huyện, xã bao gồm: (i) phần mềm QLVB&ĐH; (ii) hệ thống thư điện tử công vụ; (iii) phần mềm Một cửa điện tử; (iv) phần mềm cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến; (v) Cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin và giải đáp chính sách cho người dân và doanh nghiệp… Các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, nâng cao tính minh bạch trong thực thi chính sách của các cơ quan công quyền, giúp người dân được phục vụ nhanh chóng hơn khi sử dụng các dịch vụ công của Chính phủ.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, Internet. Nam Định cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng hạ tầng băng rộng (cáp quang, 4G, 5G) trên địa bàn tỉnh. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành liên quan đến phát triển hạ tầng viễn thông, Internet phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của CMCN 4.0. Trước mắt, cần xây dựng và ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử của tỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển CNTT, quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động…Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển hạ tầng, đặc biệt như xây dựng các trạm BTS, đường truyền dẫn cáp quang nội tỉnh,…

Thứ tư, đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh và data center. Phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh để xác định ra các CSDL chuyên ngành quan trọng của tỉnh để đầu tư xây dựng.Ưu tiên các CSDL có nhiều thông tin dùng chung hay có thể được dùng để xác thực các giao dịch trên mạng như: CSDL về đất đai, dân cư, … Các CSDL này phải được tích hợp vào Trục kết nối nền tảng (LGSP) của tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dịch vụ, thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL. Ngoài ra, Nam Định nên xem xét xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để cài đặt các phần mềm dùng chung của tỉnh, thực hiện mô hình thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, tăng cường bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho hệ thống mạng và dữ liệu. Tiến hành đồng bộ công tác đảm bảo an toàn thông tin trên các mặt: môi trường pháp lý, hạ tầng, bộ máy, nguồn nhân lực,hợp tác xử lý sự cố. Cụ thể: (i)Về môi trường pháp lý, cần xây dựng các quy định, quy chế chế về an toàn an ninh thông tin, như: quy chế về gửi nhận các văn bản điện tử, quy chế về phân quyền, chia sẻ tiếp cận nguồn thông tin và cơ sở dữ liệu; xây dựng kế hoạch về đảm bảo an toàn thông tin mạng, trong đó đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển khả năng thích ứng và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn thông tin; xây dựng các kịch bản và tổ chức diễn tập xử lý sự cố bị tấn công mạng; (ii)Về hạ tầng, cần đầu tư phần cứng, phần mềm cho hệ thống an toàn thông tin và xây dựng hệ thống giám sát và xử lý tấn công mạng; (iii)Về bộ máy, cần tổ chức tổ ứng cứu và xử lý các cự cố, cũng như bố trí nhân sự chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan đơn vị có nhiều ứng dụng CNTT quan trọng; (iv) Về nguồn nhân lực, cần có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, tập huấn nhân sự về an toàn an ninh thông tin; (v) Về hợp tác trong xử lý sự cố, cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), với các cơ quan, tổ chức, công ty về an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước để nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý kịp thời các sự cố an toàn mạng.

Thứ sáu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí truyền thông là một trong những giải pháp cơ bản để giúp các cơ quan báo chí truyền thông đổi mới và có những sản phẩm báo chí truyền thông thích ứng và bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0. Trường quay ảo và sử dụng công nghệ kỹ thuật số đang được nhiều nhà đài đầu tư trang bị, trong khi “báo nhúng” sẽ là sự lựa chọn của tương lai trong một thời điểm thích hợp khi công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường, cùng việc sử dụng kính 3D trong nhân dân được phổ dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật và nhà quản lý báo chí cũng cần được đào tạo và đào tạo lại để theo kịp và đáp ứng các yêu cầu ứng dụng và sáng tạo các công nghệ của CMCN 4.0./.