27/04/2024 lúc 00:35 (GMT+7)
Breaking News

Cam sành Bắc Quang: Đặc sản miền sơn cước

VNHN -  Cam sành Bắc Quang với vị không quá chua cũng không quá ngọt đã vượt qua ranh giới lãnh thổ Hà Giang và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

VNHN -  Cam sành Bắc Quang với vị không quá chua cũng không quá ngọt đã vượt qua ranh giới lãnh thổ Hà Giang và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Để từ đó mong ước một ngày không xa cả thế giới đều được thưởng thúc vị ngọt thanh, mọng nước có mùi đặc trưng của cam sành Bắc Quang không thể lẫn vào với các loại cam sành khác được.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã có dịp về thăm và làm việc tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Nơi chúng tôi đến là Làng Mông Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc. Từ lâu địa phương đã được nhắc đến với thành tích ổn định cuộc sống sau khi chuyển cư từ biên giới về Vĩnh Sơn xây dựng cuộc sống mới. Ngày ấy, Vĩnh Sơn chỉ có 15 hộ đồng bào dân tộc Mông, hơn 200 nhân khẩu đã bám đất này vượt khó vươn lên. Vĩnh Sơn khi xưa là một vùng đất rộng, thưa người, đường mòn, không điện, không trường, không trạm... Thấy con em mình thiệt thòi, từ năm 1999 - 2001, ông Vàng Seo Pao, lúc đó là Trưởng xóm đã mạnh dạn lặn lội nhiều lần lên UBND tỉnh Hà Giang xin kéo điện về làng cho “sáng”. Được sự ủng hộ của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Hoàng Đình Châm đến gần Tết nguyên đán năm 2002, ánh sáng của Đảng chính thức toả sảng làng Mông nhỏ này. Ký ức làng Mông mở hội, đón điện về làng, đón tết nguyên đán năm đó ông Pao vẫn còn tự hào mãi cho đến bây giờ.

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống giờ này ông Pao đã già và khi gặp được chúng tôi ông mừng lắm. “...Giờ mình đã chân yếu, tay run, lùi lại phía sau để lũ trẻ phấn đấu nhưng rượu mình vẫn uống vì bụng vui lắm...”. Làng Mông mình ngày nay đã thành đàn, thành lũ cả rồi. Ông Pao tự hào. Làng Mông khi xưa có 15 hộ, đến nay đã có tới 158 hộ. Nhiều hộ giàu lắm, khá lắm, nhà to, xe ô tô đẹp đắt tiền, vườn rộng, quanh nhà toàn quả ngọt bốn mùa, con cái học hành tiến bộ, hộ nghèo còn tí tẹo thôi (4 hộ). Nhưng, còn 4 hộ nghèo toàn là những hộ nghèo “ Bất khả kháng” chứ không phải nghèo do lười nhác đâu nhá. Ông Pao thận trọng để chúng tôi khỏi hiểu lầm. Ngày nay, dân làng vẫn đùm bọc các hộ nghèo giúp đỡ họ từ những cành giống để trồng, con giống để nuôi, cân gạo lúc lỡ mùa, hay chia sẻ cho nhau lúc ốm đau, mưa nắng. Người Mông mình xưa nay, gặp nhau ở đâu, nói được tiếng Mông là hiểu lòng nhau, hiểu rồi thì thương nhau như anh em. Bởi lẽ này mà người Mông đâu đâu trên đất nước mình đều là anh em, mừng lắm ! Ông Pao chia sẻ với  chúng tôi về tính cách nhân hậu, tính cộng đồng của dân tộc mình. 

Với lợi thế về thổ nhưỡng và chất đất, cây Cam là cây trồng thế mạnh là cây xóa nghèo ở đây cho giá trị kinh tế hằng trăm triệu đồng/ ha cùng với công nghệ kỹ thuật thâm canh cây Cam được áp dụng mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sớm đây là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất chất lượng và giá trị sản phầm.

                                     

                        Bà con nông dân thu hoạch cam sành ở làng Mông Vĩnh Sơn (Bắc Quang).

Kéo chúng  tôi ra con đường bê tông chạy dọc Làng Mông, anh Giàng Quang Hà, trưởng Thôn cho hay: Làng Mông, thời điểm tháng 12 dương lịch vùng đất này toàn một màu quả ngọt, thơm ngát. Toàn thôn Vĩnh Sơn hiện có 144,8 ha Cam, Quýt đang vào vụ chín. Cam, Quýt năm nay sai trĩu các vườn, đồi đang mở rộng lòng đón thực khách xa, gần. Tính sơ bộ, làng Mông Vĩnh Sơn mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng trên 2.000 tấn quả ngọt. Cứ đến Rằm trung thu là cam Vinh, bưởi đặc sản sẽ ra thị trường chào đón, tết thiếu nhi, áp Tết nguyên đán sản vật làng Mông là Cam Sành về từng gia đình trên khắp các nẻo đường đất nước. Còn dịp vào hè năm sau đó là mùa Xoài xanh, đến mùa Nhãn lồng ngọt lịm làm dịu đi mùa hè oi bức. Anh Hà bảo với tôi, đặc điểm canh tác của làng Mông Vĩnh Sơn là trồng toàn cây cho quả ngọt. Vị ngọt đó là kết quả của cuộc sống người Mông đã trải qua gian nan, vất vả mang về. Vị ngọt làng Mông quê tôi bây giờ là hạnh phúc, là sự êm đềm do chính sự nỗ lực mỗi người tạo ra.

Tâm sự về cung cách làm ăn của làng, anh Giàng Quang Hà cho biết: Bí quyết làm ăn làng Mông Vĩnh Sơn là “ trồng rải vụ” để tránh mất mùa toàn diện. Chọn những cây ăn quả đặc sắc, thậm chí là “ độc đắc” để làm. Sau đó, là “ phải đi trước, làm trước”, làm khác biệt mọi người. Nguyên tắc của sản xuất nông nghiệp là “ tránh” làm tràn lan, làm theo phong trào dẫn đến ứ thừa sản phẩm, khó tiêu thụ. Cụ thể, Vĩnh Sơn có trên 144 ha Cam, Quýt thì, có khoảng ½ diện tích là Cam Vinh chín sớm, bán đầu vụ lúc tiết trời vào Thu khô hanh, háo nước ai cũng cần ăn, uống. Điều này, rất phù hợp với đặc điểm khô hanh, háo nước tại các tỉnh miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Trung bộ. Cho nên, đầu thu bán Cam Vinh là hợp lý nhất. Sau bán Cam Vinh là bán Quýt gồm, Quýt vỏ giòn, Quýt ngọt, Quýt Đường canh bán vào lúc cuối Thu. Hiện tại, sản lượng Quýt nói chung ở thời điểm cuối Thu còn ít, thị trường rộng, nên rất dễ bán. Còn lại là diện tích Cam sành bán vào dịp áp tết nguyên đán ở Vĩnh Sơn chỉ chiếm khoảng hơn 1/3 diện tích Cam Vinh hiện có. Lúc áp tết là lúc cả làng, cả huyện bán cam sành ra thị trường đã tạo ra áp lực rất lớn đối với mỗi nhà vườn. Do vậy, người làng Mông bán cam sành ra thị trường theo 2 cách: Một là, bán cận kề ngày Tết, nhưng sản phẩm phải đẹp về hình thức, chất lượng phải thật tốt mới bán được hàng. Hai là, cố gắng dưỡng cây, để giữ quả kéo dài thời gian thu hoạch cho đến tháng Giêng bán vào dịp toàn quốc nở rộ lễ hội vui Xuân. Đang ngấy Bánh chưng, thịt mỡ, đi lễ hội xuân hồng rực rỡ thế, vui vẻ thế ai chả tìm cam sành để giải khát..?! Anh Hà hể hả. Làng Mông chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu cho Cam Sành đặc sản để xuất khẩu đó. Vui cái bụng người Mông lắm.

                              

                                                    Lớp thiêu thùa  tại làng Mông Vĩnh Sơn (Bắc Quang).

Thật tuyệt vời, trước mắt chúng tôi thay vì những ngôi nhà tranh cũ kỹ nay đã hiện diện những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi. Đời sống của bà con ấm no hạnh phúc, cây Cam là cây trồng mũi nhọn đem lại hiểu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng  khác, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con và là cây giảm nghèo bền vững. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, năng suất chất lượng sản phẩm ngày càng đi lên, thương hiệu của địa phương ngày càng được nhiều người biết đến. Đấy là bí quyết, là cách bán quả ngọt của làng Mông Vĩnh Sơn ra thị trường. Nhờ vào cách chọn lựa cây để trồng, quả ngọt để bán vào đúng những thời điểm thị trường “ cần” theo quy luật “ Cung – Cầu” đã làm cho làng Mông Vĩnh Sơn đã ngọt càng trở nên “ ngọt lịm trong ký ức” mỗi người.

                   

                                    

                                                                     Ngôi nhà đẹp của người Mông ở Vĩnh Sơn.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư cho biết: Làng Mông Vĩnh Sơn không chỉ điển hình về cách thức làm kinh tế, mà còn là làng Mông kiểu mẫu về tính cộng đồng trong đời sống xã hội. Đã là người Mông, thì sinh sống ở đâu “ đều” là anh em một nhà. Ở làng Mông Vĩnh Sơn việc của nhà này, cũng là việc của nhà kia không có sự phân chia giàu, nghèo, chỉ có sự đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng cuộc sống ngày một no, ấm, hạnh phúc. Cái triết lý sống của làng Mông thật đơn giản, vậy mà hạnh phúc lại rất lớn lao cho cả cộng đồng dân cư. Tôi còn nhớ, câu nói nổi tiếng của nguyên cố Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang, Sùng Đại Dùng: Người Mông chúng ta luôn Đoàn kết như con lợn ăn chung một máng ! Ông Dùng là một người cán bộ dân tộc Mông đích thực.

Ông Chư cho biết thêm: Làng Mông Vĩnh Sơn hiện có 158 hộ đồng bào Mông thì chỉ còn 4 hộ nghèo đa chiều. Số hộ khá, giàu chiếm trên một nửa bằng 84 hộ, còn lại các hộ đều có của ăn, của để khấm khá nhất xã Vĩnh Phúc ngày nay.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Quang, Hoàng Quang Phùng đánh giá: Thật hiếm có một làng dân tộc Mông nào tiêu biểu như làng Mông Vĩnh Sơn. Ở đó, kinh tế phát triển mạnh, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, đoàn thể hoạt động rất đều tay. Vĩnh Sơn là một làng Mông no ấm, hạnh phúc rất đáng để học tập, nhân rộng. Anh Phùng khẳng định.

                              

Chợt nghĩ, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng người Mông di cư bất hợp pháp gây ra tình hình bất ổn định về kinh tế, xã hội thì hãy một lần về thăm làng Mông Vĩnh Sơn để cảm nhận đầy đủ sự an cư, lạc nghiệp đầy ắp no ấm, hành phúc của con người Mông nơi này. Ở đó, là hoa thơm, trái ngọt và luôn đầy ăm ắp tình người của làng Mông.