26/04/2024 lúc 13:04 (GMT+7)
Breaking News

Bài toán về hạ tầng sân bay hiện nay

VNHN-Phát triển các hãng hàng không, đội tàu bay là hướng đi tích cực để phát triển du lịch, cũng như kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà quản lý, cũng như các cảng hàng không đang phải đối mặt, đó là tình trạng quá tải với cơ sở hạ tầng ở các sân bay…

VNHN-Phát triển các hãng hàng không, đội tàu bay là hướng đi tích cực để phát triển du lịch, cũng như kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà quản lý, cũng như các cảng hàng không đang phải đối mặt, đó là tình trạng quá tải với cơ sở hạ tầng ở các sân bay…

Hạ tầng sân bay hiện nay của nước ta đang bị quá tải

Sân bay quá tải

Hiện cả nước có 23 cảng hàng không đang vận hành, tuy nhiên, ngoài sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang chật kín máy bay thì một số sân bay khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Việc gia tăng máy bay, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao giải bài toán nghẽn đường hàng không.

Thực tế, chỉ riêng sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi ngày cao điểm đón hơn 130.000 người/ngày, tăng khoảng 18.000 người so với cùng thời điểm năm trước. Thậm chí, có những ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất có đến 900 lượt máy bay cất/hạ cánh. Trong đó, nhiều chuyến bay đã phải bay vòng vòng trên bầu trời từ 10 đến 20 phút để chờ được hạ cánh.

Hiện nay để khai thác các đường bay mới tại sân bay Tân Sơn Nhất là vô cùng khó khăn, vì không có nơi cho máy bay đậu. Hay như tại sân bay Cam Ranh, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp chuyên tổ chức cho khách Nga sang nghỉ dưỡng tại Việt Nam cho biết: “Việc tắc nghẽn tại sân bay làm cho khách cảm thấy rất mệt mỏi, nhất là thời điểm khách Trung Quốc sang đông, khiến cho sân bay Cam Ranh như vỡ trận. Chúng tôi cũng đã tìm nhiều biện pháp khác nhau nhưng vào lúc cao điểm thì hết sức khó khăn”.

Việc kẹt tại sân bay cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Như tại Tân Sơn Nhất, mùa cao điểm Tết vừa qua, hàng nghìn người phải chen chân chờ đợi người thân từ các chuyến bay hạ cánh, đặc biệt là số người nhà đón Việt kiều về quê ăn Tết. Các con đường ra vào, kết nối sân bay cũng chật cứng người, phương tiện lưu thông.

Theo thống kê, năm 2018, hàng không Việt Nam đã đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 14% so với năm trước. Hiện nay, để cải thiện hạ tầng hàng không, tránh tắc nghẽn bầu trời cũng như mặt đất, Bộ GTVT đang tiếp tục mở rộng cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay khác.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất còn chậm

Trong khi dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn còn chậm trễ. Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để ủy ban trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bởi, theo Bộ GTVT, hiện ACV đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên ủy ban phải cho ý kiến thống nhất về phương án đầu tư của ACV, nhằm thực hiện bước tiếp theo của dự án. Tuy nhiên, đến nay, ủy ban vẫn chưa có ý kiến.

Theo đề xuất của ACV, nhà ga nội địa T3 có 2 cao trình (đi và đến tách biệt), với năng suất thiết kế 20 triệu lượt/năm. Tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 10.00m2 , mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.650m2 . Cùng với đó là các hạng mục phụ trợ như: trạm cấp điện nước, đường giao thông nội bộ, bãi để xe, hệ thống thoát nước... với tổng mức phải đầu tư là khoảng trên 11.400 tỷ đồng.

Để đối phó với tình trạng tắc nghẽn, nhiều hãng hàng không đã tìm cách “lách” nghẽn bầu trời cũng như hạ tầng mặt đất. Đại diện Vietnam Airlines cho biết: “Hiện đã đưa các loại máy bay có năng lực vận tải lớn đưa vào hoạt động. Thay vì bay những chiếc dưới 200 chỗ thì nay sẽ bay những chiếc 300 đến 350 chỗ”.

Ngược lại, một số hãng lại chọn bay đêm, vào giờ thấp điểm. Thực tế cho thấy, thời gian qua, Vietjet Air, Jetstar và mới đây là Bamboo Airway đều có tần suất bay đêm rất nhiều, đặc biệt là sau khung từ 22 giờ.

TS. Nguyễn Mạnh Hồng, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cần phải đẩy nhanh tiến độ nhằm xây dựng sân bay Long Thành. Mặt khác, các địa phương cần phải làm tốt công tác phát triển du lịch, như Cần Thơ chẳng hạn để thu hút khách đến. Có khách đến thì máy bay mới cất/hạ cánh được. Đồng thời, đối với các sân bay đã quá tải, Bộ GTVT cần phải kiểm soát và không cho tăng chuyến, phải đẩy sang các sân bay khác, chưa khai thác hiệu quả. Có như vậy mới mong giảm tải, nghẽn hàng không”.