13/05/2024 lúc 03:49 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Giao thoa các nền văn hóa tâm linh giữa các dân tộc

VNHN - Mỗi dân tộc sinh sống tại nơi đây mang trong mình một bản sắc riêng, hòa chung dòng chảy thời gian, tạo nên sự cộng hưởng trên mọi mặt đời sống.  Chính bởi điều này khiến cho An Giang có cái đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương của từng dân tộc.

VNHN- Mỗi dân tộc sinh sống tại nơi đây mang trong mình một bản sắc riêng, hòa chung dòng chảy thời gian, tạo nên sự cộng hưởng trên mọi mặt đời sống. Chính bởi điều này khiến cho An Giang có cái đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương của từng dân tộc.

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ nằm dọc theo nam ngạn sông Cửu Long (Mekong). Ôm dòng sông Hậu, tựa lưng sông biên giới, còn gọi là sông Châu Đốc. Thiên nhiên và con người nơi đây không chỉ mang những nét mộc mạc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, mà còn có những dấu ấn của riêng mình khi nhắc đến. Vùng đất quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng này được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều món quà vô giá, sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, có sông, có đàn cò trắng giữa bạt ngàn đồng ruộng mênh mông, có rừng tràm xanh ngắt một màu thương.

Không những thế, An Giang là tỉnh sở hữu đường biên giới dài với đa dạng dân tộc. Đồng bào Khmer ở Tri Tôn, dân tộc Chăm cư ngụ rải rác ở các huyện, người Việt gốc Hoa ở các khu chợ, thị trấn và thị xã, cùng người Kinh sinh sống cộng cư dưới một mảnh đất mang tên An Giang, địa hình mang dáng hình tam giác như cánh buồm căng gió ra khơi đầu nguồn của những dòng sông đồng bằng châu thổ Cửu Long. Mỗi dân tộc sinh sống tại nơi đây mang trong mình một bản sắc riêng, hòa chung dòng chảy thời gian, tạo nên sự cộng hưởng trên mọi mặt đời sống. Chính bởi điều này khiến cho An Giang có cái đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương của từng dân tộc.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer là một sinh hoạt lành mạnh, góp phần đa dạng hóa các hoạt động văn hóa trong cộng đồng các dân tộc tại An Giang. Văn hóa tín ngưỡng đối với Phật giáo gắn liền trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer. Chính vì thế, chùa chiềng có vị trí hết sức quan trọng, là nơi sinh hoạt văn hóa, cũng là nơi lưu giữ bản sắc truyền thống của cộng đồng. Mục đích muốn hướng con người tới cái thiện, sống theo chân lý, tránh xa những điều xấu và cái ác. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer có tính lan tỏa, liên kết cộng đồng mạnh mẽ để phát huy hết giá trị tinh thần tôn giáo, dân tộc.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer có tính lan tỏa, liên kết cộng đồng mạnh mẽ để phát huy hết giá trị tinh thần tôn giáo, dân tộc. Ảnh: Internet

Có thể nói, An Giang như một bức tranh thu nhỏ, nơi hội tụ của những điều kiện thuận lợi cho tự nhiên và xã hội. Do vậy, văn hóa cộng đồng người Chăm ở đây vừa độc đáo, vừa đảm bảo đặc thù của cộng đồng tộc người trong một vùng đa dân tộc, đa văn hóa, vừa có điều kiện hòa nhập cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hầu hết người Chăm ở đây đều theo tín ngưỡng Islam giáo, họ xem kinh Qur’an là kim chỉ nam cho mọi hành động, bao gồm giáo lý, các tín điều, nguyên tắc tổ chức xã hội, luân lý, đạo đức. Vì vậy, những quy định trong kinh Qur’an đã trở thành “bất di, bất dịch”, không thể tự tiện thay đổi đối với cộng đồng Chăm. Tiếp tục lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng văn hóa tâm linh của cộng đồng Chăm và văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Người Chăm có đời sống tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo rất đặc trưng, tất cả đều hướng về ngôi thánh đường để cầu nguyện. Ảnh: Internet

Người Hoa trong dòng chảy văn hóa, sinh sống ở Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng chủ yếu đến từ một số địa phương từ Trung Quốc. Trong suốt quá trình cộng cư của các dân tộc nơi đây, người Hoa đã trở thành một bộ phận gắn bó máu thịt, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Nơi đáp ứng đời sống tâm linh của người Hoa là các chùa, miếu, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua những truyền thống sẵn có, con người được giáo dục về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và triết lý sống cao đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Hoa. Nằm ngay trung tâm phường Mỹ Long ( Thành phố Long Xuyên), Bắc Đế miếu là một ngôi miếu cổ được coi là di tích chính thống của dân tộc Hoa ở An Giang. Tất cả hợp thành một màu sắc văn hóa của người Hoa, hòa nhập lâu đời vào nền văn hóa Việt Nam.

Người Hoa đã trở thành một bộ phận gắn bó máu thịt, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Ảnh: Internet

An Giang không chỉ níu chân du khách bằng những địa điểm du lịch, mà còn nổi tiếng là vùng đất thiêng với sự giao thoa của các nền văn hóa tâm linh của mỗi dân tộc. Những nét văn hóa tâm linh ấy mang tính truyền thống và tính hiện đại hòa quyện, chuyển hóa không bảo lưu cổ hủ, nhưng cũng không pha tạp làm mất bản sắc riêng.