VNHNO - Sau vụ hồ chứa bùn thải của nhà máy DAP 2 Lào Cai bị vỡ đập bờ bao, khiến khoảng 45.000m3 chất thải tràn ra môi trường, ảnh hưởng đến hơn 30 hộ dân, tỉnh Lào Cai đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để xử lý triệt để sự cố.
Khoảng 12h trưa ngày 7/9, nhiều hộ dân đã bị sập nhà, mất toàn bộ tài sản vì sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải của nhà máy DAP số 2 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại KCN Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Khoảng 45.000 m3 nước và bùn thải với đặc tính axit đã tràn ra ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của 34 hộ gia đình nằm dọc hai bên tỉnh lộ 151.
Sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải của nhà máy DAP2 khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã khẩn trương khắc phục sự cố môi trường, người dân được hỗ trợ dọn dẹp lại nhà cửa, một số hộ di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ ô nhiễm để đảm bảo an toàn.
Hơn 500 tấn vôi bột và sữa vôi đã được sử dụng để trung hòa nguồn nước bị nhiễm axit tại các suối mã Ngan, suối Nhuần... nơi bị nước thải tràn ra.
Ông Hoàng Văn Vy, Trưởng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có mặt tại Lào Cai cho biết đã yêu cầu Công ty Cổ phần DAP2 tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo an toàn hồ chứa chất thải gyps.
Đến nay, kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho thấy chất lượng nước tại những dòng suối này đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, những hậu quả về lâu dài đối với môi trường là không nhỏ khi một lượng lớn axit đã tràn ngoài.
Nguyên nhân ban đầu của vụ vỡ đập hồ chứa nước thải được xác định là do vị trí thân đê bị vỡ đã có hiện tượng thấm do lớp vải địa kỹ thuật lót đáy bị hở tại các mối nối. Nước thấm thời gian dài làm cho bờ đê bị yếu dần. Trước khi xảy ra sự việc, huyện Bảo Thắng có mưa lớn, mực nước trong thân đê dâng khoảng 80cm so với bình thường, làm tăng áp lực, xuất hiện vết nứt và quá sức tải của đập, dẫn đến vỡ một phần thân đập.
Hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp vì sự cố vỡ đập hồ chứa nước thải
Hiện, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thông báo cho nhân dân trên địa bàn tạm thời không sử dụng nước tại các khu vực suối quanh khu vực nhà máy DAP2 (Suối Phú Nhuận, Suối Trát, Suối Mã Ngan, Suối Hoai...) đồng thời thông báo cho tỉnh Yên Bái phía hạ du sông Hồng về các thông tin liên quan đến sự cố, có biện pháp kiểm tra độ an toàn.
Về lâu dài, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem chỉ đạo rà soát hệ thống đê, đập của bãi chứa gyps; khẩn trương xây dựng phương án gia cố thân đập, xây dựng hồ điều hòa, xem xét lại thiết kế, kết cấu thân đập để đảm bảo an toàn bãi thải gyps. Vinachem cũng phối hợp với chính quyền địa phương di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao (trước mắt khoảng 10 hộ).
Tập đoàn này cũng làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ, ngành liên quan về việc bổ sung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với khu vực bãi thải gyps, trong đó có hồ chứa nước với sức chứa khoảng 100.000 m3./.