Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các hoạt động chương trình y tế mục tiêu, tuy nhiên bằng sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự quan tâm, phối hợp của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức liên quan giúp cho kết quả ước thực hiện các chỉ tiêu văn hóa - xã hội cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Dân số trung bình (số nhân khẩu thực tế thường trú tại tỉnh theo thống kê của Chi cục DS - KHHGĐ) ước đạt 2.055.848 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ước đạt 0,057%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) là 10,2% vượt chỉ tiêu kế hoạch năm (<21), thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 8,8% vượt chỉ tiêu kế hoạch năm (<10); số giường bệnh/vạn dân đạt 40,3 giường bệnh vượt kế hoạch năm (40,0); số bác sĩ/vạn dân đạt 13,5 bác sĩ bằng so với kế hoạch năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 87,1%...
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát chặt chẽ góp phần quan trọng vào việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Các bệnh viện sẵn sàng các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid-19, chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc, vật tư hóa chất để thu dung, điều trị người bệnh khi dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh. Triển khai các hoạt động khám, phát hiện, điều trị COVID-19 tại các bệnh viện, tại cơ sở điều trị tập trung, tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của địa phương, tỉnh Thái Bình đã triển khai thành công “Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mùa Xuân” từ ngày 1/2- 28/2/202, là địa phương dẫn đầu cả nước về số mũi tiêm thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán với 125.319 mũi tiêm. Sở Y tế đã chủ động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn với đa dạng các hình thức, điểm tiêm cố định và lưu động, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Đến ngày 24/10/2022, toàn tỉnh đã thực hiện 4.272.013 mũi tiêm. Trong đó: Người từ 18 tuổi trở lên: tiêm nhắc lại lần 1 là 1.28.095 đạt 95,3%, tiêm nhắc lại lần 2 là 282.636 mũi, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 vắc xin: 88.844 (đạt 61,52%); trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: đã tiêm 1 mũi vắc xin là 168.244 (đạt 85,64%), đã tiêm 2 mũi là 106.312 (đạt 54,11%).
Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH- UBND tỉnh về phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2022, chủ động triển khai các văn bản hướng dẫn phòng chống bệnh truyền nhiễm mùa hè và các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ ở người, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân. 09 tháng đầu năm đã ghi nhận 229 trường hợp sốt xuất huyết (tăng 214 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 110 trường hợp nội sinh, không ghi nhận tử vong. 09 tháng đầu năm, toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân sốt rét. Ghi nhận 457 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 395 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021, các ca mắc chủ yếu ở nhóm trẻ em, không ghi nhận ca tử vong. Thủy đậu là 326 trường hợp, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021 517 trường hợp. Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021; không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9. Bệnh đậu mùa khỉ ở người chưa ghi nhận ca mắc/nghi mắc.
Bên cạnh hoạt động phòng chống dịch khi số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh giảm sâu, các cơ sở khám chữa bệnh đã khắc phục nhiều khó khăn để duy trì hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, triển khai công tác quản lý chất lượng bệnh viện đảm bảo chất lượng, hiệu quả đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thông qua việc triển khai Bộ tiêu chí Chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành; thường xuyên, liên tục thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng, triển khai quản lý theo các tiêu chuẩn ISO; rà soát ban hành, chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật chuyên môn, phác đồ điều trị. Điều tra, khảo sát đánh giá thường xuyên các chỉ số chất lượng và sự hài lòng của người bệnh; triển khai đầy đủ các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; thực hiện tốt công tác chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là công tác cấp cứu người bệnh. Xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp; cải tiến thủ tục hành chính trong KCB thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật y học với công nghệ hiện đại trong chẩn đoán, khám bệnh và chữa bệnh; tổ chức, sắp xếp lại quy trình tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân thông qua việc thành lập, kiện toàn bộ phận chăm sóc khách hàng.
Để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT và quản lý quỹ Bảo hiểm y tế, ngay từ đầu năm, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh rà soát các cơ sở đủ điều kiện KCB BHYT, tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Số lượng cơ sở đủ điều kiện thực hiện KCB BHYT trong 06 tháng đầu năm 2022 là 44 bệnh viện, phòng khám đa khoa (26 cơ sở công lập 18 cơ sở ngoài công lập) và 251 trạm y tế. Chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT; quy định về thủ tục KCB BHYT; tổ chức KCB BHYT nghiêm túc, khoa học, đảm bảo chất lượng, đúng người, đúng thẻ, đúng tình trạng bệnh; đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong KCB; đảm bảo thủ tục chặt chẽ, tinh gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT khi đi KCB, như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”, sử dụng CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT.... Chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 22/CT-BYT ngày 01/10/2020 của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh công tác liên doanh, liên kết trong các cơ sở y tế công lập; Kiểm soát chặt chẽ bệnh nhân đi khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, tăng cường các hình thức tổ chức khám chữa bệnh, nhiều cơ sở tổ chức KCB BHYT cả vào ngày nghỉ, ngày lễ để phục vụ nhu cầu của người dân.
Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý và chỉ đạo sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, đúng quy định. Giám sát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, chỉ định các dịch vụ y tế đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nhóm chi phí: Khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc, vật tư y tế, không chỉ định và đưa vào thanh toán các chi phí không đúng quy định hoặc chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT... Trong 9 tháng đầu năm, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế - BHXH tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác khám bệnh, chữa BHYT và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT 3 tháng đầu năm 2022 tại 20 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nắm bắt kịp thời những tồn tại, khó khăn; có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng kinh phí KCB BHYT. Kết quả, 9 tháng năm 2022: Chi KCB BHYT tại tỉnh có 1.656.456 lượt KCB, tăng 95.345 lượt (6,1%) so với cùng kỳ năm 2021, tổng số tiền bảo hiểm thanh toán là 1.056,5 tỷ đồng tăng 77,3 tỷ đồng (7,9%) so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó đa tuyến ngoại tỉnh đến là 97.072 lượt, số tiền BH thanh toán là 71,1 tỷ đồng). KCB ngoại trú: Có 1.346.271 lượt KCB, chi phí 342,8 tỷ đồng tăng 48.654 lượt (3,7%); chi phí tăng 16,3 tỷ đồng (5% so với cùng kỳ năm 2021). KCB nội trú: Có 213.113 lượt KCB tăng 30.785 lượt tăng 16,9 chi phí 642,6 tăng 51,4 tỷ đồng (8,7%) so với cùng kỳ năm 2021.
Mạng lưới khám chữa bệnh bằng YHCT, phục hồi chức năng tiếp tục ổn định và phát triển với 13 khoa Y học cổ truyền, phục hồi chức năng tại các bệnh viện công lập và 4 khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện ngoài công lập; mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng có 260 trạm y tế xã phường trong tỉnh. Công tác khám chữa bệnh YHCT tại Trung tâm Y tế, trạm y tế ngày càng phát triển khi có 221/260 trạm y tế (85%) có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong đó có 178 trạm y tế đạt chuẩn về y học cổ truyền (80,05%), 39 trạm y tế (17,6%) đạt tiên tiến về y học cổ truyền. 212/221 xã (96%) thực hiện khám chữa bệnh bằng YHCT có sử dụng thuốc chế phẩm YHCT; 18/221 xã (8,2%) sử dụng thuốc thang; 210/221 xã (95%) triển khai điều trị bằng thuốc nam; 240/260 (92,3%) có vườn thuốc nam mẫu. Công tác đào tạo, phối hợp chuyển giao kỹ thuật cho mạng lưới YHCT luôn được quan tâm: 9 tháng đầu năm Bệnh viện YHCT đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức 1 lớp đào tạo về vật lý trị liệu và PHCN, đồng thời bệnh viện đã chủ trì tổ chức 1 lớp cập nhật kiến thức về y học cổ truyền cho của mạng lưới YHCT trong tỉnh.
Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật theo các Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án KCB từ xa... được triển khai mạnh mẽ, nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được chuyển giao góp phần quan trọng vào công tác khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật của tỉnh. Các cơ sở KCB duy trì thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến; sẵn sàng thực hiện đươc nhiều kỹ thuật của tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên. Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã triển khai thực hiện ngay tại các bệnh viện trong tỉnh và được duy trì thường quy như Chọc hút tế bào u gan dưới hướng dẫn của siêu âm - Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho khoa Chẩn đoán hình ảnh thuộc đề án 1816; Đóng lỗ thông mũi miệng trên trẻ khe hở môi vòm miệng; Phẫu thuật điều trị khe hở môi một bên, phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm miệng toàn bộ... được chuyển giao từ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương...
Bước sang năm 2023, ngành Y tế Thái Bình sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức từ công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế; từ triển khai thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp; từ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại các Trạm Y tế nhằm giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế xã, về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế ở các đơn vị. Qua đó, tiếp tục triển khai các nền tảng số y tế trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương và hình thành kho cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại tỉnh; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh và cải cách hành chính hướng đến tăng sự hài lòng của người dân; xây dựng lộ trình phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp…
PHẠM QUANG