06/01/2025 lúc 01:36 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu trực tuyến: “Mỏ vàng” đang được khai thác

Xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử không còn là xu hướng mà đã được hiện thực hóa bởi nhiều câu chuyện thành công từ doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu.

Xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử không còn là xu hướng mà đã được hiện thực hóa bởi nhiều câu chuyện thành công từ doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu.

Nhiều câu chuyện thành công

Tham gia thị trường từ năm 2002, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú khởi nghiệp bằng một máy ép nhựa, đơn hàng đầu tiên là gia công ép nhựa cho các đối tác Việt Nam. Bà Hoàng Thị Hương, Trưởng phòng xuất khẩu Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú chia sẻ, tham vọng xuất khẩu sản phẩm đến các quốc gia trên khắp thế giới của doanh nghiệp phải đến năm 2011 mới trở thành hiện thực khi công ty biết đến việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. “Sau nhiều hồ nghi về bán hàng qua mạng, doanh nghiệp mạnh dạn đã chọn thương mại điện tử là một kênh quảng bá công ty. Đây có lẽ là lựa chọn duy nhất và tối ưu nhất với chúng tôi thời điểm đó”, bà Hương nói.

Đến nay, sau 10 năm tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, công ty đã mở rộng thị trường tới 10 quốc gia trên thế giới, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số quốc gia thuộc châu Âu, mang lại doanh thu xuất khẩu lớn, xây dựng được tệp khách hàng trung thành ổn định.

Đáng nói, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, không tìm được đơn hàng xuất khẩu, tồn kho lớn, doanh thu sụt giảm thì đơn hàng Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú vẫn ổn định. Từ đầu năm tới nay, công ty đã xuất khẩu được một lượng hàng hóa lớn. 

Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công qua các sàn thương mại điện tử.

Về kinh nghiệm vượt qua khó khăn thời điểm ban đầu khi tham gia xuất khẩu trực tuyến, bà Hương cho hay: Chúng tôi đã hệ thống lại toàn bộ các dữ liệu về công ty, công nghệ sản xuất và sản phẩm, tìm đọc toàn bộ các vấn đề pháp lý liên quan đến sản phẩm của công ty. Cùng đó, phân tích dữ liệu thống kê trên các sàn thương mại điện tử, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để xác định thị trường mục tiêu; xác định lợi thế của doanh nghiệp để đàm phán với khách hàng.

Khác với Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú, Công ty xuất nhập khẩu VIXEMCO tuy còn non trẻ nhưng cũng khá thành công trong xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Hiện công ty đã có lượng khách hàng lớn, mỗi tháng nhận từ 200-300 thư hỏi hàng, doanh thu từ đầu năm đến nay ước tính gần một tỷ đồng.

Theo bà Đoàn Phương Thúy, Quản lý vận hành Công ty xuất nhập khẩu VIXEMCO, kinh doanh trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thứ nhất, về mặt khách hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến không bị giới hạn về mặt không gian, về khoảng cách địa lý, chênh lệch múi giờ với các thị trường nước ngoài, có thể nhận và đàm phán 24 giờ trên 7 ngày. Đặc biệt, doanh nghiệp không cần phải có showroom với mặt bằng đắt tiền, tốn kém chi phí mà hiệu quả mang lại rất lớn. 

Trước làn sóng của dịch Covid-19, năm 2020, Tổng công ty May 10 (Garco 10) cũng đã đàm phán thành công và “đẩy” sản phẩm của mình lên trang thương mại điện tử Amazon.com. Trang thương mại điện tử lớn nhất nhì thế giới của Mỹ đã quảng bá thông tin: “100% cotton; bông vải chất lượng cao, thoải mái khi mặc, một lựa chọn tuyệt vời khi đi làm, dự tiệc…” cho sản phẩm áo sơ-mi nam dài tay mầu hồng của thương hiệu Garco 10. Chiếc áo được bán với giá 29 USD, mức giá trung bình khá trong mặt bằng các sản phẩm cùng loại đang có trên trang. Nhà sản xuất của sản phẩm cũng được giới thiệu ngắn gọn: “May 10 là thương hiệu thời trang quốc tế với việc thiết kế và tạo ra các sản phẩm hiện đại, có nhà máy đầu tiên vào năm 1946…”. Đến nay, lần lượt những sản phẩm mang thương hiệu May 10 đã được xuất đi từ Việt Nam để giao trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ, không qua bất kỳ nhà phân phối hay nhập khẩu nào như cách nhiều năm qua doanh nghiệp này vẫn làm. Giá bán tất nhiên cao hơn hẳn và sản phẩm được gắn nhãn hiệu Garco10, xuất xứ tại Việt Nam.

Trợ sức kịp thời

Xuất khẩu trực tuyến đang là “mỏ vàng” chờ doanh nghiệp khai thác. Số doanh nghiệp biết tới hình thức xuất khẩu, kinh doanh trực tuyến cũng tương đối lớn, tuy nhiên chưa phải doanh nghiệp nào cũng biết cũng như sẵn sàng thay đổi bản thân để khai thác. Bởi vấn đề ngôn ngữ, chưa hiểu về cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực là những rào cản với doanh nghiệp.

Là người từng trải qua bước đầu bỡ ngỡ, bà Hương cho hay, ngay khi nhận được đơn hàng đầu tiên doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề khi làm việc với khác hàng nước ngoài, như: Văn hóa, nhu cầu và thói quen tiêu dùng xa lạ, bất đồng ngôn ngữ. Cùng đó, là hàng rào thuế quan, yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại…

Hiểu những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những năm vừa qua, Bộ Công thương đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn, có độ phủ rộng khắp toàn cầu như Amazon.com, Alibaba.com để hướng dẫn cho doanh nghiệp tham gia thành công các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại đã thỏa thuận cụ thể với các sàn thương mại điện tử. Đầu tiên và quan trọng nhất là tập trung nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về thương mại điện tử. Bởi một khi chủ doanh nghiệp nhận thức về phương thức xuất khẩu này rõ ràng thì việc lên kế hoạch và triển khai hoạt động sẽ không còn quá khó khăn nữa.

Riêng với Alibaba.com, Cục Xúc tiến thương mại đã cùng với sàn thương mại điện tử này triển khai hoạt động từ tháng 10-2020. Đến nay đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia các hoạt động huấn luyện đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp đã được tham gia tư vấn trực tiếp. “Chúng tôi dự kiến sẽ đưa hơn 50 doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử thành công”, bà Thúy nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng cho biết, mục tiêu của Cục Xúc tiến thương mại không nằm ngoài mục tiêu trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Và điều quan trọng nhất là tập trung nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, chúng tôi sẽ bằng mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận một cách thân thiện, dễ dàng hơn với phương thức kinh doanh và xuất khẩu này. Còn mục tiêu lâu dài là tạo dựng được các kênh tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững cho doanh nghiệp.

Sự đồng hành của Bộ Công thương là nền tảng ban đầu cần thiết, tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên gia, để xuất khẩu trực tuyến thành công đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp trong đánh giá loại hình kinh doanh để từng bước chuyển đổi số phù hợp; tham gia đào tạo cơ bản và nâng cao về các sàn thương mại điện tử; nghiên cứu dữ liệu được phân tích trên các sàn thương mại điện tử để định hướng chiến lược và lựa chọn thị trường mục tiêu; kỹ năng bán hàng xuất khẩu là cần thiết, nắm vững kiến thức về các nghiệp vụ xuất khẩu để tạo niềm tin với khách hàng; tạo dựng tệp khách hàng trung thành…