VNHN - Cá ngừ và các loại cá biển khác là điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, mực, bạch tuộc cùng giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm. Cụ thể, xuất khẩu tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%, mực và bạch tuộc giảm 8%. Riêng xuất khẩu cá ngừ tăng 20%, các mặt hàng cá biển khác tăng 17%. Xuất khẩu tôm giảm là xu hướng từ năm 2018, do nguồn cung tăng, giá xuất khẩu thấp và lượng tồn kho của các nước cao.
Tôm bán sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, chỉ tăng nhẹ tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia. Trong khi đó, sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 dẫn đến dư thừa nguồn cung. Một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, khiến giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm trong thời gian gần đây. Trừ thị trường Trung Quốc trên đà hồi phục, tăng 71% trong tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm mạnh 40%, còn 221 triệu USD.
Việt Nam có 62 doanh nghiệp cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể xuất khẩu vì thuế chống bán phá giá cao. VASEP dự báo, xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn. Dự báo, kim ngạch tôm năm nay đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với 2018.
Ảnh minh họa.
Về cá tra, sau khi Trung Quốc siết kiểm soát chất lượng, các nhà xuất khẩu đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn nên sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm. Riêng thị trường Mỹ vì thuế chống bán phá giá cao nên khó phục hồi. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay là 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018. Xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Dự báo xuất khẩu cá ngừ cả năm đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 23% so với năm 2018. Kim ngạch của mực, bạch tuộc đang có chiều hướng sụt giảm đáng kể tại nhiều thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN và Trung Quốc.
Dự báo tình hình trong nửa cuối năm cũng không khả quan hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018. Với kết quả dự báo từng sản phẩm chủ lực, VASEP cho rằng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay 8,9 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2018.