Trong bối cảnh Covid-19, xuất khẩu thủy sản là điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Australia. Thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tiếp tục chinh phục thị trường này, đặc biệt khi hai bên là thành viên của nhiều FTA.
Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia do Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia tổ chức mới đây.
Sự kiện được tổ chức nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai kế hoạch Ngoại giao kinh tế năm 2021 của Bộ Ngoại giao để hỗ trợ các ngành xuất khẩu chủ lực (thủy sản, dệt may, rau quả,...) vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và góp phần phục hồi kinh tế.
Việt Nam hiện có 625 nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, gần 100 nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ. (Nguồn: TCTC)
Người tiêu dùng Australia đánh giá cao thủy sản Việt Nam
Tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh khẳng định, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Australia ngày càng tốt đẹp, thủy sản đóng vai trò then chốt, là ngành xuất khẩu chủ lực trong thương mại song phương.
Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia vẫn liên tục tăng thời gian qua.
7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Australia đạt 1,16 triệu tấn, trị giá gần 5 tỷ USD, tăng 11% về lượng, 13% về giá trị so với 2020. Đặc biệt, trong 8 tháng 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lợi thế và thuế quan ưu đãi mà Australia dành cho các nước đang phát triển, thủy sản Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Trong bối cảnh Covid-19, Australia là thị trường xuất khẩu tích cực của thủy sản Việt Nam sang khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thứ trưởng Vũ Quang Minh khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Australia là thị trường lớn và yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, thủy sản Việt Nam đã và đang nỗ lực lớn để đáp ứng, tự điều chỉnh để thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt là ứng dụng số hóa, quản lý chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế 2 nước nhưng Chính phủ và người dân luôn nỗ lực để vượt qua.
Hai bên đều có chung mong muốn tăng cường thương mại, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra nhiều việc làm, tạo thuận lợi thương mại, đóng góp cho quan hệ song phương.
Năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Australia đạt 220 triệu USD, tăng 20 triệu USD so với năm 2019.
Thời gian qua, Australia là đối tác lâu dài và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của ngành thủy sản Việt Nam với các sản phẩm chính như: tôm, cá ngừ, cá ba sa…
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp sản phẩm tôm lớn nhất của Australia từ 2012 và nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho xứ sở Kangaroo từ 2018-2020 với giá trị kim ngạch hơn 20 triệu USD mỗi năm.
Theo Thứ trưởng Andrew Metcalfe, người tiêu dùng Australia đánh giá cao sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng như các nỗ lực đàm phán mở rộng thị trường của cơ quan quản lý, trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu cao về an toàn thực phẩm.
Để thủy sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường Australia, ông Metcalfe nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia.
Tận dụng các FTA, đẩy nhanh chuyển đổi số
Tại hội thảo, các đại biểu Australia đã chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam về các quy định nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm cụ thể như tôm, các loại cá (bao gồm các loại thuộc họ cá hồi và các loại không thuộc họ cá hồi), các quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm và an toàn sinh học.
Đại diện Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia đã giới thiệu các trang web và đầu mối trao đổi về các quy định chi tiết đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với Australia và New Zealand (AANZFTA), CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà hai nước là thành viên, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác liên quan đến các thủ tục thử nghiệm trong ANZFTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới.
Đồng thời, việc các doanh nghiệp áp dụng thống nhất tiêu chuẩn SPS (tiêu chuẩn về vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật) trong Hiệp định AANZFTA sẽ làm giảm khả năng gián đoạn thương mại và giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tận dụng các cơ hội tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà nhập khẩu Australia nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử vì đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn.
Ngoài ra, chuyển đổi số còn góp phần giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng thủy sản, không chỉ ở thị trường Australia mà còn với các thị trường khác.
Tại sự kiện, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết, hiện thủy sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về Global GAP, ASC, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường phát triển nhất. Việt Nam hiện có 625 nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, gần 100 nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ.
Trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm.
Theo bà Tường Lan, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong áp dụng chiến lược bền vững trong sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, đến thành phẩm, liên kết chuỗi để kiểm soát an toàn thực phẩm tốt hơn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân thì khẳng định, thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển chuỗi hợp tác xã, tổ hợp tác; thúc đẩy đối tác công tư tham gia chuỗi nhằm theo dõi giám sát trong sản xuất, thu mua, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, công khai minh bạch trong sản xuất và bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu về an sinh xã hội.
Rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng có nhiều lợi thế về sản phẩm tại thị trường Australia rộng lớn, nơi có cộng đồng hơn 320 ngàn người Việt Nam.
Để đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương, cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, thông qua quảng bá, truyền thông, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của thị trường.
Kỷ nguyên 4.0 đặt ra yêu cầu lớn hơn, cần sử dụng công nghệ nhiều hơn để đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, các FTA sẽ đóng vai trò là cầu nối, mở ra cơ hội rất lớn để thủy sản Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường tại Australia.