Trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu trong quý IV-2020 xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 40 tỷ USD trở lên. Hàng loạt giải pháp đã, đang được ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp nỗ lực triển khai, tạo bứt phá để cán đích.
Nông sản Việt Nam đã có bước chuyển về chất, thâm nhập được các thị trường yêu cầu cao như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trong ảnh: Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (tỉnh Sơn La) với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới vừa được đưa vào vận hành. Ảnh: Sơn Hà.
Giảm về lượng nhưng tăng về giá trị
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do vậy, việc duy trì được tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm đến nay có thể xem là thành công rất lớn.
Trong 9 tháng năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến, tháng 10-2020 đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Đặc biệt, đến nay, Việt Nam đã có 8 nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.
Với mặt hàng gạo, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hào Nam, 9 tháng qua, cả nước xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD, giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang mở ra những thị trường tiềm năng cho gạo Việt Nam, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác, kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ còn tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng có bước bứt phá mạnh mẽ, đạt kim ngạch 8,48 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Đỗ Xuân Lộc cho rằng, với Hiệp định EVFTA, ngành gỗ sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới bởi gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Liên minh châu Âu - EU (bình quân mỗi năm đạt kim ngạch trên 500 triệu USD).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, xuất khẩu nông sản duy trì tăng trưởng bởi nhu cầu tăng trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng quan trọng hơnlà chất lượng nông sản Việt Nam đã có bước chuyển về chất. Điều này được minh chứng qua việc đơn hàng xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA tăng mạnh từ ngày 1-8-2020 (thời điểm hiệp định có hiệu lực). “Đây là thị trường lớn, tiềm năng cao, nhưng có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Mở được cánh cửa xuất khẩu vào EU đồng nghĩa với vào được nhiều thị trường lớn khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Sơn Hà.
Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thiên tai và dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, phức tạp. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu quý IV-2020 đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm đạt trên 40 tỷ USD. Theo đó, hàng loạt giải pháp đã, đang được các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực triển khai đồng bộ.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho biết, cuối tháng 9 vừa qua, tập đoàn đã đưa vào sử dụng Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Nhà máy có công suất 300 tấn cây ăn quả/ngày, sử dụng công nghệ xử lý thực phẩm áp suất cao (HPP) hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Qua đó, phát huy tối đa thế mạnh từ công nghệ cao và nguồn cung dồi dào của Sơn La - địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn thứ hai toàn quốc, để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó một cách có hiệu quả với dịch bệnh, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh miền Trung cung cấp nguồn giống, sớm ổn định sản xuất sau mưa bão, lũ. Bên cạnh đó, do đặc thù mùa vụ, rau và cây ăn quả cuối năm (cây trồng vụ đông) chủ yếu tập trung ở miền Bắc, nên Cục sẽ cùng các tỉnh, thành phố khu vực này đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Liên quan đến mặt hàng thủy sản, theo dự báo của Bộ NN& PTNT, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục tăng. Một tín hiệu tích cực khác là, Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Ả rập Xe út vừa cấp phép cho 12 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản trở lại vào thị trường này. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin thêm, cùng với việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp theo dõi thị trường để nắm bắt kịp thời, tháo gỡ vướng mắc, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào những mặt hàng thủy sản có thế mạnh để tạo sự bứt phá trong 2 tháng cuối năm.
Ở cấp độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công Thương, liên tục cập nhật tình hình của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… để hỗ trợ doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, cần nắm chắc nội dung cam kết của các đối tác trong các hiệp định thương mại với Việt Nam, nhất là vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc..., để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Với những giải pháp cụ thể của cơ quan quản lý, cùng sự năng động của các doanh nghiệp, tin tưởng rằng, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2020 sẽ cán đích trên 40 tỷ USD.