23/01/2025 lúc 02:54 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 640-650 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 600 tỷ USD.

Dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 640-650 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 600 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Xuất khẩu bám sát nhập khẩu

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2021 đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9/2021 và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập khẩu đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2%.

Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%). Dẫn đầu là nhóm hàng điện thoại và linh kiện, tiếp đến là hàng điện tử, máy tính và linh kiện…

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 10 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%. Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.

Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng năm 2021 có 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 252,21 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 124,13 tỷ USD, tăng 22,4% và chiếm 46,1% (giảm 2,2 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỷ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5% (tăng 2,5 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 17,17 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,4% (giảm 0,3 điểm phần trăm).

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 năm 2021 với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%. Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.

Như vậy, mặc dù xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng 10/2021, nhưng do nhập siêu tăng cao trong những tháng trước đó, nên tính chung 10 tháng năm 2021 nhập siêu vẫn ở mức 1,45 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Xuất khẩu hướng tới kỷ lục mới

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng năm 2021, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ, trong chu kỳ sản xuất, doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến Quý I, Quý II là thời gian tăng nhập nguyên liệu và đến Quý III, Quý IV tập trung cho sản xuất.

Trên thực tế doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu trong các tháng vừa qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Đến giai đoạn này doanh nghiệp đã giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng nên việc xuất siêu thời gian qua một phần cũng do quy luật kinh doanh này.

“Nếu như hai tháng cuối năm Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam phục hồi, lấy lại được đà tăng trưởng, giúp cho cán cân thương mại năm 2021 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cân bằng”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu còn cho biết, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.

Đơn cử, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đều đạt mức tăng trưởng cao với 25,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Số bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP được cấp là 34.160 bộ, trị giá đạt 1,55 tỷ USD, tăng 67,6% về lượng và 77,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh có tỷ trọng xuất khẩu lớn ở khu vực phía Nam đang từng bước nới lỏng giãn cách, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh, theo đó xuất khẩu hàng hoá những tháng cuối năm 2021 tăng trưởng hơn góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Dự báo về triển vọng xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, với tốc độ xuất khẩu như hiện nay, dự kiến 2 tháng cuối năm tình hình xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu không có biến động nào quá lớn, dự kiến cả năm nay xuất khẩu sẽ đạt khoảng 320 tỷ USD. Và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 640-650 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 600 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, trong những tháng cuối năm 2021, trước mắt tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.

Cùng với việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á.

Hiện, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.