VNHN - Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả giá trị và lượng, trong khi rất nhiều mặt hàng nông sản khác giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 2 đạt 400 nghìn tấn, trị giá 176 triệu USD, tăng 45,6% về lượng và 50,8% về giá trị. Tính chung 2 tháng đầu năm đạt 811 nghìn tấn, giá trị 372 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và 20,5% về giá trị. Gạo cũng là 1 trong 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong nhóm nông sản (mặt hàng còn lại là sắn). Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018. Gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30-40 USD/tấn, nhưng không có gạo để bán.
Các chuyên gia dự báo, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Chưa kể, so với Thái Lan và Ấn Độ - hai đối thủ của gạo Việt, giá gạo xuất khẩu của chúng ta thấp hơn nên có lợi thế cạnh tranh, giành lại thị phần ở những thị trường lớn. Sau năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn khi suy giảm mạnh cả về lượng và giá XK, năm 2020, tình hình XK gạo được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc khi hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi.
Cụ thể, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo XK. Việc có mặt ở một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và vào được nhiều thị trường khác. khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở hạn ngạch khoảng 40.000 tấn gạo (trong tổng số 85.000 tấn hạn ngạch theo cam kết).
Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc 2 văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và XK. Nhằm tạo thuận lợi cho gạo XK, sau hơn một năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, nâng con số thương nhân XK gạo lên 182 thương nhân, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia xuất khẩu gạo.