VNHN - Các mặt hàng xuất khẩu xuất hiện tại siêu thị ở nước ngoài, hay trên gian hàng điện tử của Alibaba.com, Amazon.com… như một chứng thư đảm bảo, giúp nhà nhập khẩu tìm đến doanh nghiệp sản xuất với nhiều khả năng ký kết được hợp đồng xuất khẩu truyền thống.
Xuất siêu đạt 7,15 tỷ Đô la 9 tháng đầu năm 2019
Kinh tế phát triển trong tình hình thế giới biến động
Kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh nhiều căng thẳng chính trị và kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế từ cuối năm 2018 đến nay, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động lớn. Trước hết, trật tự thương mại thế giới cũ đã thay đổi, trật tự thương mại thế giới mới chưa hình thành. Thứ hai, thương chiến Mỹ - Trung kéo dài chưa biết bao giờ dừng, và chưa biết tiếp diễn theo hướng nào. Thứ ba, khả năng một Brexit không thỏa thuận đang hiện hình. Thứ tư, đà tăng trưởng của nhiều nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Ấn Độ đang chững lại.
Thương mại toàn cầu giảm 1% xuống còn 2,5% trong năm 2019. Những nước hướng về xuất khẩu như Trung Quốc trong tháng 8 xuất khẩu đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu Hàn Quốc giảm 13,6% so với tháng 8/2018; xuất khẩu của Singapore lao dốc, giảm 17,3%...
Trong tâm bão đó, các dự báo về kinh tế Việt Nam vẫn nhận định sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam lý giải, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu là do xuất khẩu đã tận dụng được lợi thế của một nước có nhiều FTA hàng đầu ASEAN.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%. Đáng chú ý là xuất khẩu tăng dần theo thời gian. 2 tháng đầu năm tăng 4,25; 3 tháng tăng 5,3%; 4 tháng tăng 6,5%; 5 tháng tăng 7,1%; 6 tháng tăng 7,2%; 7 tháng tăng 7,8%; 8 tháng tăng 8,1%; 9 tháng tăng 8,4%. Đây cũng là khoảng thời gian có mức xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. 9 tháng đầu năm từ 2016 đến 2018 có mức xuất siêu từ 2 tỷ USD đến trên 6 tỷ USD; 9 tháng đầu năm nay xuất siêu 7,15 tỷ USD.
Tận dụng cơ hội bứt phá
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu sang các thị trường FTA phần lớn có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD. Như Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, ASEAN 19,4 tỷ USD, Nhật Bản 15,1 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD.
Một gian hàng Việt tại Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống Gulfood 2019 tại Dubai, UAE
Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu sang các thị trường FTA đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản 9 tháng đầu năm tăng 10%; sang Hàn Quốc tăng 8,3%; sang Nga tăng 13,9%; sang New Zealand tăng 12,5% so với cùng kỳ... Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt; xuất khẩu sang Canađa 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.
Kim ngạch xuất khẩu sang 10 nước tham gia CPTPP đạt quy mô khá, chiếm trên 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 27 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, khu vực này chiếm 6; với mức xuất siêu 1,2 tỷ USD so với thâm hụt 0,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Một ví dụ khác là xuất khẩu sang Ấn Độ. Nếu như các năm trước, trong giao thương với Ấn Độ, Việt Nam luôn nhập siêu rất lớn. Nhưng 2 năm gần đây, xuất khẩu sang Ấn Độ tăng mạnh và hiện đã xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Một phần nhờ các doanh nghiệp Việt năng động, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, một phần nhờ vào tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Một chỉ số cho thấy doanh nghiệp nước ta tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội xuất khẩu sang thị trường FTA là tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi thuế quan. Năm 2018, đã có 942.371 bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá 50,9 tỷ USD, tăng 35% về trị giá và tăng 25% về số lượng bộ C/O so với năm 2017.
Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 12 tỷ USD. Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và ASEAN với trị giá lần lượt là 11 tỷ USD và 8,5 tỷ USD. Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào và Campuchia có kim ngạch không đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ tuy chỉ ở mức trung bình, đạt hơn 4,7 tỷ USD nhưng có mức tăng trưởng cao nhất, gấp 2,6 lần so với 1,8 tỷ USD năm 2017.
Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA cao nhất với 72%; đứng tiếp theo là thị trường Chile và Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 67% và 60%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào (0,02%) và Campuchia (10%) không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA. Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2018 là 39%, cao hơn 5% so với năm 2017 (34%).
Xuất khẩu đa kênh thúc đẩy truyền thống
Xuất khẩu đa kênh chính là xuất khẩu truyền thống cộng với xuất khẩu qua các kênh siêu thị; kênh trực tuyến; kênh dịch vụ nhà hàng và quầy uống (ở các khu du lịch trong nước). Đối với kênh siêu thị, năm 2016, Bộ Công thương phối hợp với Công ty Lotte mart Việt Nam thực hiện Chương trình Kết nối Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VK Conect), tổ chức đưa hàng Việt tới nhiều siêu thị bán lẻ tại thị trường Việt Nam và Hàn Quốc.
Central Group kí cam kết với Bộ Công thương xuất khẩu hàng Việt Nam sang Thái Lan
Hiện doanh nghiệp nước ta phần lớn đã hướng đến hình thức xuất khẩu đa kênh, đa phương thức để kết nối với người tiêu dùng nước ngoài nhiều hơn, trong khi chi phí bỏ ra tiết kiệm hơn so với xuất khẩu theo phương thức truyền thống. Xuất khẩu truyền thống là “ôm” hàng tham gia triển lãm hội chợ ở các thị trường tiềm năng. Chi phí cho một gian hàng tham gia ở châu Âu, Hoa Kỳ, hay Nhật Bản khoảng gần 1 tỷ đồng, bao gồm chi phí gian hàng, chi phí trang trí tổng thể khu trưng bày, chi phí quảng bá, mời khách đến tham quan và giao dịch tại Hội chợ; các khoản thuế cho hàng hoá tham gia Hội chợ; chi phí gửi hàng; phí sử dụng các dịch vụ tại Hội chợ; phí dịch vụ thuê thêm thiết bị, thu dọn vệ sinh; chi phí xuất nhập cảnh, ăn, ở, đi lại... Không phải doanh nghiệp nào cũng “lo” được.
Bộ Công Thương cũng ký với Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản, lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam, Nhật Bản và các nước khu vực làm mục tiêu, hướng đến kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tại hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Tập đoàn Central Group ký cam kết với Bộ Công Thương xuất khẩu hàng Việt Nam sang Thái Lan qua các siêu thị tại Việt Nam và Thái Lan…
Với kênh trực tuyến, Bộ Công Thương đã hợp tác với Amazon Global Selling; Tập đoàn JD; Tập đoàn Alibaba trong hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, chào hàng ra thị trường thế giới thông qua các gian hàng trên Alibaba.com, Amazon.com…
Chi phí cho xuất khẩu đa kênh rẻ hơn nhiều, gần như doanh nghiệp nào cũng “với” được, hiệu quả phủ sóng cũng tốt hơn. Nói về giá trị trên giấy tờ, hiện xuất khẩu đa kênh chưa bằng xuất khẩu theo phương thức truyền thống. Nhưng về giá trị thực tế, xuất khẩu đa kênh có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu truyền thống cực kỳ lớn. Một mặt hàng xuất khẩu xuất hiện trên siêu thị ở nước ngoài, hay trên gian hàng Alibaba.com, Amazon.com… như một chứng thư đảm bảo, khiến nhà nhập khẩu tìm đến doanh nghiệp sản xuất với nhiều khả năng ký kết được hợp đồng xuất khẩu truyền thống.