Khác với lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội xuân vùng Tây Bắc thường đa dạng và mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của các dân tộc vùng cao.
Đã thành thông lệ, đến ngày Thìn tháng Giêng, đồng bào Giáy ở Tả Van (Sa Pa), Quang Kim (Bát Xát), Làng Giàng (Văn Bàn)… lại náo nức tổ chức Lễ hội xuống đồng (Roóng poọc) - một phong tục đẹp được ví như nghi lễ “tịch điền” của người vùng cao Tây Bắc: những người thanh niên trai tráng thi nhau điều khiển những chú trâu béo tốt cày thật nhanh, thật thẳng và đẹp, bởi bà con tin rằng bên thắng cuộc có đường cày thẳng sẽ đem may mắn về cho bản, người dân khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm ngày càng sinh sôi, phát triển.
Lễ hội xuống đồng của đồng bào người Giáy Tây Bắc cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Ngược lên vùng cao nguyên hoa mận trắng Bắc Hà là Lễ hội nhảy lửa - lễ hội truyền thống được tổ chức vào đầu năm mới. Theo quan niệm của người Dao đỏ, lửa tượng trưng cho sự sống và được coi như một vị thần linh thiêng, giúp mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng. Lễ nhảy lửa được tổ chức ngay trên một khoảng sân rộng với đống than củi đang bùng cháy ở giai đoạn rực rỡ nhất, sau khi thầy âm dương gieo quẻ, được thần lửa đồng ý, thầy cúng sẽ "phù phép" cho những chàng trai ngồi “hầu lễ”. Các chàng trai như bị “thần nhập”, lắc lư rất mạnh và dường như có ai đó sai khiến, họ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực mà nhảy múa với đôi chân trần mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi.
Vũ điệu trên than hồng của những chàng trai người Dao đỏ.
Ngoài ra, không thể không kể đến một số lễ hội lớn như: Lễ hội Cầu an của cộng đồng người Thái, Mường; Hội Gầu Tào của người H’Mông… Mỗi lễ hội đều có nét đặc trưng riêng nhưng đều mang ý nghĩa nhằm cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người dân mạnh khỏe, no ấm.
Lễ hội Cầu an Bản Mường là một trong những lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất quan trọng với người dân tộc Thái.
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của người H’Mông.
Không gian lễ hội càng thêm vui tươi, rộn rã với những điệu múa, lời ca như hát ví, múa sạp, múa khèn… và những trò chơi dân gian đặc sắc như chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, đu quay… Lễ hội đầu xuân cũng là dịp để các đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp đi dự hội, tham dự chợ phiên, chợ tình, trao nhau tiếng cười, câu chuyện và là nơi nên duyên của nhiều đôi trai gái.
Những cô gái chàng trai người H’Mông cùng hát múa nhộn nhịp.
Người con gái Thái với điệu múa dân tộc trong lễ hội Cầu an.
“Ném pao – trao tình” là trò chơi tình duyên độc đáo của người H’Mông trong lễ hội.
Lễ hội mùa xuân ở vùng cao Tây Bắc không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc đặc trưng của dân tộc mình./.