22/12/2024 lúc 20:17 (GMT+7)
Breaking News

Xuất nhập khẩu hàng hóa có thể lập kỷ lục mới trong năm 2021

Sau mốc kỷ lục 500 tỷ USD năm 2019, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thể đạt 640 - 645 tỷ USD, lập thêm kỷ lục mới. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Sau mốc kỷ lục 500 tỷ USD năm 2019, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thể đạt 640 - 645 tỷ USD, lập thêm kỷ lục mới. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Ảnh minh họa - Internet

Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn

Là một trong những loại gạo được thị trường thế giới ưa chuộng trong những năm gần đây, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ST25 đã đạt hơn 3.100 tấn, với trị giá 3 triệu USD, tăng trưởng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn của gạo ST25 khi chiếm đến 91% tổng khối lượng với khoảng 2.800 tấn, tăng 843% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nếu như năm ngoái gạo ST25 chỉ được xuất khẩu sang 2 thị trường là Mỹ và Macau (Trung Quốc) thì năm nay đã được mở rộng tới 11 thị trường trên thế giới với giá dao động từ 870 - 1.378 USD/tấn.

Kết quả xuất khẩu gạo tương đối khả quan trong những tháng đầu năm đã giúp gạo duy trì vị trí là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tháng 10, xuất khẩu hàng hóa đã có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước (kim ngạch xuất tháng 9 giảm 0,8% so với tháng 8). Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tín hiệu đáng chú ý khác trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã được doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, qua 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, các tác động từ những hiệp định này là rất rõ như với những thị trường, đặc biệt là thị trường mà chúng ta chưa từng ký FTA, kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng rất mạnh.

“CPTPP đã giúp xuất khẩu sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng mạnh, từ 25% - 30%. Hoặc với EVFTA, tỷ lệ của tận dụng ưu đãi thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, đây là một tỷ lệ rất đáng kể. Còn con số còn lại không phải là các hàng hóa của chúng ta không được cấp C/O thì không được ưu đãi mà ở chỗ nhiều mặt hàng của EU hiện nay có thuế suất rất thấp nhờ một số mặt hàng vẫn đang được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), doanh nghiệp không cần xin mẫu C/O EUR1 nhưng thực chất đang hưởng lợi rất lớn”, ông Trần Thanh Hải thông tin.

Đơn cử, với mặt hàng giày dép, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đã đạt 14,06 tỷ USD, tăng 3,9%. Hiện, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu nhờ Hiệp định EVFTA và da giày là một trong những mặt hàng được cấp nhiều C/O EUR1 nhất.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều địa phương dần khởi sắc. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng đến 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tiến tới mốc kỷ lục mới

Ông Trần Thanh Hải cho biết, tại thời điểm này, có thể dự báo cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước có thể đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại có thể có duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là thành tựu hết sức to lớn khi trong năm 2021, doanh nghiệp chịu tác động hết sức nặng nề của dịch Covid-19 với biến thể Delta. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã nhiều lần tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở phía bắc và phía nam.

“Vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các nhóm ngành thế mạnh của ta như dệt may, da giày dự kiến có thể đạt mục tiêu xuất khẩu sớm hơn dự kiến và từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành truyền thống đang có thế mạnh khác như điện thoại, điện tử, máy móc linh kiện… cũng dự kiến có thể tăng trưởng với con số ấn tượng là 15 - 25% ngay trong năm nay”, ông Trần Thanh Hải thông tin.

Về phía các doanh nghiệp, đến nay cũng đã dần có những phương thức sản xuất ứng phó linh hoạt, kịp thời với tình hình dịch bệnh. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên - CTCP chia sẻ, chúng tôi luôn ghi nhớ phương châm “buôn tài không bằng dài vốn”, từ đó luôn có ý thức tích tụ vốn sau từng năm để sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng. Cũng nhờ tích tụ vốn, công ty phát triển thêm các doanh nghiệp thành hệ thống May Hưng Yên ngày nay mà không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, nhờ tích tụ vốn doanh nghiệp có thể trụ vững và trả lương cho người lao động 6 tháng, dù phải phong tỏa, đóng cửa nhà máy.

Cùng đó là chiến lược nguồn lao động, theo ông Nguyễn Xuân Dương, biến động lao động trong doanh nghiệp may rất khốc liệt. Doanh nghiệp ứng phó bằng cách chấp nhận sự biến động để sàng lọc, định hình đội ngũ lao động phù hợp. Cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo môi trường tốt và thu nhập tốt để giữ chân người lao động.

Các chuyên gia khẳng định, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử... Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp những hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch; khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển.

Để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đồng thời, làm việc với phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm tiếp theo.