26/11/2024 lúc 01:55 (GMT+7)
Breaking News

Xử lý nhà đất "siêu mỏng, siêu méo": Tăng trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ

VNHN - Mặc dù liên tục có công văn "đốc" việc xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi mở đường theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên công tác này tại các quận, huyện còn chậm.

VNHN - Mặc dù liên tục có công văn "đốc" việc xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi mở đường theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên công tác này tại các quận, huyện còn chậm.

Ảnh minh họa

Để đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu đặt ra là các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh mới cũng như các trường hợp tồn tại trước đây.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, các quận, huyện đã xử lý, giải quyết 15/120 trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng, phát sinh trước năm 2005; 18/59 trường hợp tồn đọng, phát sinh giai đoạn 2005 - 2018; đang xử lý 21 trường hợp phát sinh mới từ năm 2018 đến nay... Tuy nhiên, công tác xử lý, giải quyết của các quận, huyện còn rất chậm.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Hà nội mới tại quận Cầu Giấy, từ đầu năm 2019 đến nay, quận đã giải quyết được 4/30 trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" tại các tuyến phố: Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công. Các trường hợp này đều là các hộ đã thỏa thuận để hợp thửa.

Ông Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết: Việc xử lý các trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" rất khó khăn. Với chủ trương hợp thửa, không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua lại, bởi giá đất mặt đường tăng cao. Nhiều trường hợp không có nhu cầu mua hợp thửa do công trình đã ổn định... Với các trường hợp không đủ điều kiện hợp thửa, quận đang vướng do chưa có quy hoạch thiết kế đô thị hai bên tuyến đường (hiện mới có tuyến Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu có quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường), nên không có căn cứ xử lý thu hồi...

Về số lượng các trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" tại các địa phương, Ba Đình là quận dẫn đầu với 58 trường hợp. Tất cả các trường hợp này đều tồn tại trước năm 2005, phát sinh khi mở đường Kim Mã, Giang Văn Minh, Nguyễn Chí Thanh, Văn Cao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (số 449 Kim Mã, quận Ba Đình) chia sẻ: "Nhà nước mở đường, nhà bị cắt xén. Thực sự chúng tôi không muốn xây những ngôi nhà mỏng, méo như thế này, nhưng vì đất chỉ còn lại thế...".

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay, việc xử lý các trường hợp này, đang được tiến hành theo trình tự thủ tục. Ngày 24/4/2018, thành phố đã có Văn bản số 1758/UBND-ĐT chấp thuận báo cáo của Sở Xây dựng theo đề xuất của quận. Theo đó, 6 trường hợp thực hiện thu hồi và 52 trường hợp được phép tồn tại với điều kiện phải thực hiện cải tạo chỉnh trang.

Về việc xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện xây dựng, ông Lý Chí Hồng, Phó Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Thực hiện Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 4/7/2018, lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng phụ trách địa bàn trước đây đã được điều chuyển, chịu sự quản lý của các quận, huyện, thị xã.

Do vậy, công tác xử lý do các địa phương thực hiện. Dưới góc độ trách nhiệm quản lý, Sở Xây dựng liên tục có văn bản "đốc" các quận, huyện; làm việc trực tiếp, hướng dẫn các quận xử lý, chỉnh trang đô thị... Tuy nhiên, sự vào cuộc của một số cơ sở, địa phương chưa quyết liệt. Một số nơi chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa quyết liệt thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết thời gian hợp thửa, hợp khối...

Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong các quyết định, chỉ thị về tăng cường quản lý trật tự xây dựng của thành phố nêu rõ trách nhiệm của địa phương. Chỉ có nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại và ý thức người dân thì công tác quản lý trật tự xây dựng mới hiệu quả; tình trạng nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" mới được giải quyết triệt để.

Để xử lý dứt điểm, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố, trong đó đề xuất Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại, phát sinh thêm các trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Cùng với đó là chủ trì, chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp đang tồn tại bằng các giải pháp như hợp thửa, thu hồi phục vụ mục đích công cộng; đề xuất phương án chỉnh trang bảo đảm cảnh quan kiến trúc hai bên tuyến phố; kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Mới đây nhất, ngày 21/10/2019, Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản 9661/SXD-TTr đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện còn tồn tại các trường hợp nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" chưa được xử lý (Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì), tiếp tục chỉ đạo, giải quyết, xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh và đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp tồn tại.