Ảnh minh họa - BCT
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa 14 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Luật đã xác lập khung chính sách nhằm hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách bảo vệ môi trường khác. Quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ toàn cảnh về môi trường của Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và phù hợp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành; Đảm bảo chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đủ tính răn đe, ngày 07 tháng 7 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn An Thủy, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra (Tổng cục Môi trường), Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa - TL
Xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường đã bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền từ hàng chục triệu đồng đến hàng tỷ, tuỳ mức độ sai phạm. Sự quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp cần nghiêm túc xác định bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Căn cứ theo các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các quyết định xử phạt đối với những vi phạm của doanh nghiệp, nghiêm trị những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ người dân.
Tại Thanh Hoá, theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã vi phạm do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ nội dung theo mẫu quy định, chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn; Chưa thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường; Chưa có hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh…
Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối (địa chỉ tại Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, xã Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ), với số tiền 250 triệu đồng vì đã không thực hiện thu gom, đấu nối hoặc đấu nối không triệt để nước thải của các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung theo quy định tại điểm e, Khoản 4, Điều 15, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trước đó, trong các ngày 10 - 16/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ra các quyết định xử phạt 03 doanh nghiệp vì có hành vi xả trái phép nước thải vào hệ thống thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra quyết định xử phạt hành chính 208 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Khoáng sản 3 - Vimico do vi phạm luật bảo vệ môi trường (trong đó, phạt 50 triệu đồng do không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; phạt 8 triệu đồng do công ty đã lập, phê duyệt thiết kế mỏ không phù hợp với giấy phép khai thác khoáng sản và phạt số tiền 120 triệu đồng do Công ty khai thác vượt quá 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác). Ngoài ra, Công ty cổ phần Khoáng sản 3 - Vimico còn bị xử phạt 30 triệu đồng do thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản từ 1 năm trở lên nhưng không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Đầu tháng 5/2024, UBND thành phố Cần Thơ vừa thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý môi trường trên địa bàn, qua đó chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót tại các dự án và khu công nghiệp như Dự án xử lý chất thải rắn khu xử lý rác thải số 2 ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (hạn chế, thiếu sót trong việc xây dựng đơn giá xử lý rác thải); Khu công nghiệp Trà Nóc (do 3/18 cơ sở vẫn tiếp tục xả thải vượt tải, một số cơ sở xả nước thải trực tiếp trái phép vào hệ thống thoát nước mưa); Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (nước thải vượt chuẩn, chưa có biện pháp xử lý, giám sát, theo dõi để giảm mức ô nhiễm của nước thải xả ra môi trường)…
Cũng trong tháng 5/2024, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành xử phạt 10 doanh nghiệp chế biến khoai mì có vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Nông sản Quốc tế Hiệp Phát (ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị phạt tổng số tiền 408 triệu đồng. Công ty TNHH SX TM Tinh bột Khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh (ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu) bị phạt 310 triệu đồng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 4,5 tháng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; buộc chỉ trả kinh phí phân tích mẫu nước thải theo định mức, đơn giá hiện hành. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt.