Ngày nay, mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển cần liên tục thu nhận thông tin, tiếp thu, xử lý, sử dụng tri thức để trở thành những công dân hiểu biết rộng trong cuộc sống và trong lao động, do đó, xây dựng một xã hội học tập trở nên bức thiết.
Một xã hội học tập sẽ tạo điều kiện cho mọi lứa tuổi tham gia và học từ nhiều nguồn (ảnh minh họa)
Kinh tế tri thức thay đổi căn bản nền giáo dục
Trong cuộc đời của mỗi con người, giáo dục nhà trường chỉ là một phần, một giai đoạn ngắn. Giáo dục ngoài nhà trường (gia đình, xã hội), giáo dục liên tục có vai trò ngày càng lớn. Giữa các loại hình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, sự phân chia ngày càng thu hẹp. Song song với việc phổ cập giáo dục là quá trình phổ cập nghề nghiệp. Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp trở thành nền tảng của quá trình phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục đại học chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng.
Ngày nay, giáo dục không đơn thuần chỉ là truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin mà quan trọng, phải hướng tới phát triển nhân cách toàn diện trên cơ sở phát triển năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động để người học tự tìm tri thức, vận dụng tri thức, góp phần chuyển hóa các loại tri thức dưới dạng tiềm năng thành năng lực giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống.
Do đó, kinh tế tri thức đã làm thay đổi căn bản nền giáo dục từ quan niệm nhận thức đến hệ thống giáo dục, nhà trường, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình, đặc biệt là phương pháp giảng dạy và mô hình quản lý nhà trường. Từ đó hình thành nền giáo dục dựa trên tri thức và mô hình văn hóa nhà trường dựa trên tri thức.
Mô hình các tổ chức học tập có sự thay đổi cơ bản. Từ nhà trường truyền thống biến đổi sang nhà trường hiện đại thích ứng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức. Trong đó, nhà trường là nơi tổ chức học tập đa dạng và thường xuyên đổi mới. Giáo dục chú tâm vào việc hình thành nền tảng tri thức, nền móng cho việc học tập suốt đời, tạo điều kiện cho người học phát triển kiến thức, năng lực và tài năng. Các loại hình hoạt động của nhà trường đa dạng về tổ chức và cách thức, hình thành mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và xã hội.
Nhà trường với chức năng mới, có khả năng đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của đất nước. Không gian đào tạo mở rộng. Trong đó, nhà trường có vị trí trung tâm, liên hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, doanh nghiệp, các công ty công nghệ, các trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Giáo dục - đào tạo mang đặc trưng thị trường và sự chọn lựa là đặc điểm nổi bật luôn có khả năng thích ứng với nhu cầu phục vụ của xã hội.
Phát triển xã hội học tập là đòi hỏi tất yếu
Chìa khóa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chính là mở ra cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Vì thế, xây dựng mô hình xã hội học tập chính là xây dựng nền giáo dục của một xã hội học tập suốt đời, trong đó, tất cả những yêu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc đều được đáp ứng. Có thể nói, đây là một mô hình hữu hiệu được xây dựng dựa trên cơ sở bốn yêu cầu cơ bản mà Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI đề cập đến, đó là học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau và học để làm người.
Ngày nay, mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển cần phải liên tục thu nhận thông tin, tiếp thu, xử lý và sử dụng để trở thành những công dân có hiểu biết rộng trong cuộc sống và trong lao động. Do đó, học tập trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người ở trong và ngoài nhà trường. Học tập giúp con người hình thành và phát triển nhân cách, hiểu được các giá trị của cuộc sống, hiểu biết môi trường sống và làm việc của mình để sống có ích trong cộng đồng, phát triển trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và giao tiếp xã hội.
Thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển kỳ diệu của công nghệ làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong đó, giáo dục - đào tạo chịu sự tác động lớn. Khác với xã hội nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp, ở nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, giá trị hàng hóa dịch vụ phụ thuộc chủ yếu vào hàm lượng tri thức và công nghệ, chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và trở thành động lực chủ yếu của phát triển.
Kinh tế tri thức và khoa học - công nghệ làm thay đổi quan niệm về chất lượng giáo dục - đào tạo. Nếu như trước đây, tri thức chủ yếu nằm trong sách vở hay trí nhớ của người thầy sau đó được truyền thụ chủ yếu trên giảng đường, thì ngày nay nhờ những tiến bộ về công nghệ, nhất là phổ dụng mạng internet và các công cụ truyền thông đa phương tiện, tri thức có sẵn chỉ là hữu hạn. Tri thức và quản trị tri thức từ chỗ là độc quyền của các nhà khoa học và nhà giáo thì ngày nay được phổ dụng với nhiều hình thức chia sẻ phong phú và đa dạng có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi.
Bởi vậy, mục tiêu học tập được mở rộng, không chỉ học để biết mà học để làm và học để sáng tạo. Thành quả của mỗi người tùy thuộc vào khả năng tự học, sự nhạy bén trước những nguồn thông tin đồ sộ và luôn thay đổi. Năng lực học tập và năng lực lao động với sự vượt trội của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc đẩy mạnh xã hội học tập. Không gian rộng mở và hiện đại là điều kiện quan trọng cho mọi người có thể tiếp cận tri thức từ nhiều nguồn mà không cần nhiều chi phí./.