Đà Nẵng là một thành phố biển, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, nằm trên trục Bắc Nam và hành lang Đông Tây, thuận lợi cho phát triển. Xây dựng và phát triển Đà Nẵng sẽ tạo động lực và sự lan tỏa cho cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Nhận thức vị trí, vai trò của Đà Nẵng đối với sự phát triển vùng miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
1. Kết quả xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng
Quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Đà Nẵng đã khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, đạt bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo.
- Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải tạo và phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, văn minh.
Quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố theo hướng bền vững, hướng đến cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới thông qua 2 nội dung đột phá.
Thứ nhất, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ, có trọng điểm với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2015-2020 đạt 43.481 tỷ đồng(1), nhờ áp dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ dân sinh tiếp tục được nâng cấp, diện mạo đô thị có bước phát triển mới.
Thứ hai, xây dựng nhiều công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội, bao gồm các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng cơ sở với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và chất lượng cao(2). Hình thành các khu công nghiệp tập trung, các khu thương mại du lịch - dịch vụ và các khu dân cư.
Để xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường, các dự án về môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên triển khai. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, thoát nước, thu gom và xử lý nước thải trên toàn thành phố, nhất là khu vực ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Các điểm nóng về ô nhiễm được tập trung xử lý, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đến cuối năm 2020, không gian đô thị của Đà Nẵng tăng gấp 4 lần so với năm 2003; tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,3% (vượt mục tiêu 45% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia 2012-2020)(3). Quá trình mở rộng không gian đô thị cả bề rộng lẫn chiều sâu góp phần làm cho diện mạo thành phố thay đổi từng ngày, tạo đà phát triển năng động, mạnh mẽ của thành phố.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; các chỉ tiêu phát triển kinh tế duy trì tăng trưởng.
Ngành du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch, phát triển vượt bậc và trở thành ngành mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Các dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Dịch vụ thương mại duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và du khách. Hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các chợ, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, thương mại quốc tế, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.
Dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phát triển mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và nâng cấp thường xuyên. Doanh thu ngành thông tin - truyền thông tăng bình quân 6,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 14,5%/năm. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; huy động vốn tăng trưởng 15,3%/năm, cho vay tăng 20,9%/năm(4).
Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 3%/năm. Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển, trong đó, công nghiệp công nghệ cao có bước đột phá về thu hút đầu tư.
Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả; tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy.
Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng phục vụ du lịch và đô thị.
Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Năm 2005, Đà Nẵng có 4.380 doanh nghiệp với tổng số vốn 8.443 tỷ đồng, trong đó 1.293 doanh nghiệp tư nhân, 2.168 công ty trách nhiệm hữu hạn, 305 công ty cổ phần, 614 chi nhánh, văn phòng đại diện các doanh nghiệp. Đến năm 2021, số doanh nghiệp tăng gần 6 lần lên 24.703 doanh nghiệp, trong đó có 18.885 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, với số vốn 488.281 tỷ đồng, đóng góp hơn 50% GRDP của thành phố(5). Kinh tế tư nhân góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, giải phóng sức sản xuất xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Về thu hút đầu tư, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Các cơ chế, chính sách được thực hiện linh hoạt, đồng bộ, nhờ đó tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chỉ riêng giai đoạn 2015-2020, Đà Nẵng đã thu hút được 6 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn ODA là 351,423 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng gấp hai lần và số vốn gấp ba lần so với năm 2015; thu hút 77.678 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (trong đó: vốn đầu tư trong nước ở ngoài khu công nghiệp là 68.419 tỷ đồng) và 1.399,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2015-2020 ước đạt 187,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7%/năm, năm 2020 ước đạt 37.696 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015(6).
Nhận thức rõ vai trò đầu mối liên kết phát triển vùng, Đà Nẵng chú trọng phát triển hợp tác và liên kết vùng tại địa phương và bước đầu thể hiện được vai trò trung tâm của khu vực, là đầu mối giao thông quan trọng, trở thành tâm điểm phát triển nhiều lĩnh vực như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu... tạo sự lan tỏa phát triển và thay đổi diện mạo của khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo hướng hiện đại.
Các chỉ số về phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của Đà Nẵng đều dẫn đầu các địa phương trong vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng khá cao và liên tục trong nhiều năm, bình quân giai đoạn 2005-2021 là 7,66%/năm (cả nước là 5,95%/năm), quy mô GRDP năm 2021 đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với năm 2004(7). GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), tăng 7 lần so với năm 2003 và bằng 1,45 lần cả nước; bằng 1,42 lần so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung(8). Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 3 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 17 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Về chỉ số cạnh tranh, Đà Nẵng duy trì vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Năm 2020-2021, do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng GRDP thành phố giảm còn 4%/năm(9), tuy nhiên, từ quý I năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng trưởng, nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng bứt phá, một số ngành có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Vì vậy, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,92% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19), tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021 và xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng ước đạt hơn 57.792 tỷ đồng, tăng hơn 5.077 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (chưa loại trừ yếu tố giá). So với cùng kỳ năm 2019, quy mô nền kinh tế thành phố (giá hiện hành) tăng gần 6.490 tỷ đồng, trong đó quy mô khu vực dịch vụ mở rộng gần 6.098 tỷ đồng(10).
- Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Quán triệt quan điểm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa - xã hội gắn liền với phát triển kinh tế, Đà Nẵng quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhiều chủ trương, biện pháp phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, giảm nghèo được triển khai nhằm phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân.
Phát triển văn hóa đã quán triệt quan điểm kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương gắn với yêu cầu hiện đại. Thành phố quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tiềm năng văn hóa cơ sở. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã thu được những kết quả khả quan.
Các chính sách văn hóa - xã hội như: Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, hình thành lối sống văn hóa của người dân thành phố Đà Nẵng, hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng.
Các chương trình xã hội đã góp phần thu hẹp khoảng cách về đời sống giữa các vùng. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách được cải thiện, các hoạt động vì người nghèo, vì nạn nhân chất độc da cam, phong trào thi đua giúp nhau làm kinh tế giỏi v.v. đã tạo ra không khí xã hội tốt đẹp, lành mạnh.
- Lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng.
Chính trị - xã hội được duy trì ổn định. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước ở địa phương được triển khai tích cực, quyết liệt, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội. Các lĩnh vực quốc phòng được củng cố; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Như vậy, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố, với 3 đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị có bước phát triển nhanh theo hướng văn minh, bền vững, thân thiện; xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy. Với những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực trong những năm qua, Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước(11). Trong đó, nổi bật là khẳng định được thương hiệu “Thành phố đáng sống”, đây là vốn quý để tiếp tục thu hút các nguồn lực và tạo ra sự khác biệt.
Tuy vậy, quá trình phát triển của thành phố còn nhiều mặt hạn chế:
- Quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn in đậm dấu ấn của tâm lý tiểu nông.
Đô thị xây dựng còn phân tán, chắp vá, manh mún. Kiến trúc nhà cửa ở các khu đô thị được thiết kế theo kiểu nhà ống. Không gian đô thị tuy được mở rộng, nhưng thiếu chiều sâu. Các khu đô thị mới chất lượng xây dựng còn thấp. Hệ thống hạ tầng phục vụ đời sống đô thị như công viên, khu vui chơi, giải trí chưa được quan tâm đúng mức.
Quá trình phát triển đô thị quá nhanh đã bộc lộ những hạn chế của công tác quy hoạch. Chẳng hạn, từ chỗ mong có nhà cao tầng đến chỗ phát triển nhà cao tầng mất kiểm soát, nhất là khu vực ven biển. Do không tôn trọng quy hoạch nên khu vực đường Phạm Văn Đồng, từ chỗ quy hoạch biệt thự, nay trở thành khu nhà cao tầng; quy hoạch dân từ 1,5-2 nghìn người, nay lên 6 nghìn người, nên chịu áp lực về đô thị như: giao thông quá tải, cung cấp nước sạch, thoát nước... Khu vực trung tâm Hải Châu có hạ tầng lạc hậu nhất, đòi hỏi phải thiết kế quy hoạch để giải quyết những khu nhà ổ chuột, thấp tầng. Quy hoạch khu vực bán đảo Sơn Trà phải tiếp cận một cách bài bản, trong đó phát triển phải gắn với bảo tồn thiên nhiên.
- Kinh tế đô thị còn kém phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ.
Các ngành dịch vụ khá đa dạng: thương mại, du lịch, bưu điện, giao thông, tài chính - ngân hàng, may mặc, sửa chữa nhưng giá trị tuyệt đối thương mại còn nhỏ, chưa phát huy được vai trò của một trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung. Ngành du lịch còn nhỏ bé và chưa hấp dẫn, dịch vụ tài chính - ngân hàng còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa tốt và hấp dẫn.
Công nghiệp tuy đa dạng nhưng phân tán và nhỏ bé, không có công nghiệp mũi nhọn mạnh, công nghệ đa phần lạc hậu nên chưa tạo ra được khối lượng hàng hóa đáng kể. Chưa định hình được ngành, sản phẩm chủ lực, chưa có nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước còn thấp.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé thể hiện trên hai tiêu chí vốn và lao động. Về vốn, năm 2020, Đà Nẵng có 24.703 doanh nghiệp, với 18.885 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả kinh tế với tổng số vốn 488.281 tỷ đồng. Trong đó, 2.420 doanh nghiệp có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng; 2.602 doanh nghiệp có số vốn từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng; 7.865 doanh nghiệp có vốn từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng; 2.423 doanh nghiệp có vốn từ 5-10 tỷ đồng, 2.644 doanh nghiệp có vốn từ 10-50 tỷ đồng; 638 doanh nghiệp có vốn từ 50-200 tỷ đồng, 147 doanh nghiệp có vốn từ 200-500 tỷ đồng; 148 doanh nghiệp có vốn 500 tỷ đồng trở lên(12).
Về quy mô lao động, năm 2020, các doanh nghiệp thu hút 273.489 lao động. Trong đó, 11.749 doanh nghiệp có dưới 5 lao động; 3.489 doanh nghiệp có từ 5-9 lao động; 2.955 doanh nghiệp có từ 10-49 lao động; 542 doanh nghiệp có từ 50-199 lao động; 58 doanh nghiệp có từ 200-299 lao động; 49 doanh nghiệp có từ 300-499 lao động; 29 doanh nghiệp có từ 500-999 lao động; 20 doanh nghiệp có từ 1.000-4.999 lao động; 4 doanh nghiệp có từ 5.000 lao động trở lên(13). Vì vậy, đóng góp của doanh nghiệp cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố còn hạn chế.
2. Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững
Ngày 24-01-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về quan điểm phát triển, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 xác định:
Chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.
Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng.
Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.
Từ những quan điểm phát triển đó, Đảng ta xác định mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”(14).
Đảng ta cũng xác định các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2030, cơ cấu kinh tế thành phố cần chuyển dịch theo định hướng: ngành dịch vụ 62-65%, công nghiệp và xây dựng 28-30%, nông nghiệp 1-2%; quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người; giải quyết việc làm mới hằng năm trên 35 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất không vượt quá 5 lần; người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, đặc biệt an toàn trước thiên tai; bảo đảm 100% nước thải nguy hại được xử lý; độ che phủ rừng đạt khoảng 45%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD; tỷ trọng tổng sản phẩm của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%(15).
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng bộ Đà Nẵng cũng đặt ra nhiều mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 có tính đột phá, dự báo phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
- Về quy hoạch phát triển đô thị
Để bứt phá, phát triển trong giai đoạn mới cần một quy hoạch đủ tầm. Việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng tới phục vụ cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững. Đây là giai đoạn bước ngoặt về quy hoạch của thành phố.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 phải định hướng thống nhất xây dựng Đà Nẵng là đô thị sinh thái, mở rộng không gian đô thị kết nối với Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An.
Kiểm soát việc lập, thẩm định các quy hoạch; rà soát các đô thị cũ không bảo đảm hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, phải xác định bản sắc đô thị của Đà Nẵng là sông, núi, biển, nên phải tận dụng ưu thế này, phát triển hướng tới đô thị xanh, hình thành cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị.
Để phát huy lợi thế so sánh của đô thị Đà Nẵng, quy hoạch phát triển đô thị theo 8 định hướng sau: phát triển vai trò chủ đạo, vị thế của một đô thị hạt nhân ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông- núi; phát triển theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại, đại diện cho phát triển đô thị Việt Nam; phát triển thành đô thị đáng sống (livable city) hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển theo hướng đô thị thông minh; trở thành đô thị toàn cầu (global city); trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo(16).
Thực hiện những định hướng đó, đòi hỏi phải tập trung giải quyết 3 vấn đề chính về quy hoạch gồm giao thông, cấp thoát nước và phân khu trung tâm. Về giao thông, quy hoạch lại hệ thống cảng biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển cảng với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường vịnh Đà Nẵng. Sử dụng hết công suất cảng Tiên Sa với thiết kế 10-12 triệu tấn hàng hóa/năm. Kết nối sân bay Đà Nẵng với Phú Bài, Chu Lai để hình thành một tổ hợp chia sẻ hành khách.
Sử dụng hợp lý quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp để phát triển giao thông công cộng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Về cấp thoát nước, Đà Nẵng đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, thiếu nguồn nước ngọt, do đó cần có giải pháp hồ chứa nước ngọt lớn để giải quyết nguồn nước mùa khô, điều tiết lũ mùa mưa.
Xác định các phân khu chức năng để tập trung đầu tư xây dựng trung tâm chính của thành phố.
- Về phát triển kinh tế
Đẩy mạnh phát triển kinh tế Đà Nẵng theo 3 trụ cột lớn là, phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển kinh tế biển.
Về du lịch, một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch quốc tế.
Về công nghiệp, để bảo đảm môi trường sinh thái, phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Về kinh tế biển, phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.
Để kinh tế Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò là cực tăng trưởng và trung tâm của vùng, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế và tiếp tục thực hiện các giải pháp:
- Rà soát phát hiện những hạn chế, rào cản trong phát triển kinh tế để đưa ra những giải pháp phù hợp; phát huy mạnh mẽ vai trò của cực tăng trưởng, trung tâm của vùng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm hay, cách làm tốt cho các địa phương trong vùng.
- Tiếp tục đẩy mạnh liên kết toàn diện và mạnh mẽ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch. Phối hợp với các địa phương trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là phối hợp với tỉnh Quảng Nam trong xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng.
- Hoàn thiện thể chế hội đồng điều phối vùng, cần tích hợp mô hình Ban điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tự nguyện của 10 tỉnh miền Trung và ban hành quy chế hoạt động của Ban điều phối này. Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối cần xây dựng theo hướng giao thêm quyền và chức năng giám sát thực hiện những chủ trương, chính sách định hướng phát triển. Trong định hướng về quy hoạch cần có định hướng, phân định giữa các địa phương sao cho phù hợp, không chồng lấn nhau và các chủ trương mới về phát triển vùng nên tích hợp mang tính chất đặc thù ở một số địa phương. Cần hình thành cơ chế trao đổi thông tin, liên kết hợp tác đầu tư...
- Về phát triển văn hóa - xã hội
Quá trình xây dựng thành phố đáng sống cần quan tâm vấn đề phát triển văn hóa, con người và coi đây là mục tiêu của mọi sự phát triển. Điều đó đòi hỏi phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Xứ Quảng. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa từ bên ngoài vào để làm phong phú thêm và tạo nên bản sắc riêng của văn hóa đô thị, trong đó quan tâm xây dựng lối sống đô thị mang đặc trưng của một đô thị có cấu trúc núi - sông- biển.
Gắn kết phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần người dân, xây dựng, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, quyền chủ quyền trên biển; xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
_________________
(1), (3), (4), (6) Huỳnh Đức Thơ: Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh, https://baodanang.vn/, ngày 21-10-2020.
(2) Cụ thể như: Các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, đường 2 tháng 9, Cách mạng Tháng Tám, 30 tháng 4, Xô viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, Võ Chí Công, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa; Nam Kỳ khởi nghĩa, các đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa; hệ thống cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương; cầu vượt khác mức ngã ba Huế, cầu vượt đường 2 tháng 9; cầu chui đường Điện Điện Phủ, đường Duy Tân; nâng cấp cảng Tiên Sa, sân bay Quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân như nâng cấp Bệnh viện Đa khoa và các bệnh viện tuyến quận, xây dựng mới các bệnh viện Phụ sản - Nhi, bệnh viện Ung Bướu, một số bệnh viện quận huyện; xây dựng hệ thống siêu thị Big C, Vincom, Co.opMart, Lotte Mart; hệ thống bảo tàng (bảo tàng thành phố, bảo tàng điêu khắc Chăm, bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Phật giáo, nhà trưng bày Hoàng Sa); hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường, v.v..
(5), (11), (12), (13) Xem Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022.
(7) Công Hạnh: Thương hiệu “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng là tài sản quý giá, https://cadn.com.vn/, 20-8-2022.
(8) Nguyễn Việt Dũng: Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và chất lượng hơn, https://baodanang.vn/, 23-01-2019.
(9) Báo Đà Nẵng số Xuân Canh Tý, 2020, tr.19.
(10) Thùy Trang: Kinh tế Đà Nẵng lấy lại đà tăng trưởng, https://laodong.vn, ngày 08-7-2022.
(11), (14), (15) ĐCSVN: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(16) Ngô Viết Nam Sơn: Đà Nẵng trước thời cơ, thử thách và vận hội phát triển mới, Báo Đà Nẵng Xuân Kỷ Hợi 2019, tr.16-17.
PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC
Học viện Chính trị khu vực III